Quê tôi là vùng đồi núi trung du, vào cuối những năm 1980, đầu năm 1990 vẫn chưa có điện lưới. Thời thơ ấu của thế hệ đầu 8X chúng tôi gắn liền với hình ảnh những chiếc đèn dầu le lói trong mỗi gia đình.
Có lẽ những ai thuộc thế hệ cuối 7X, đầu 8X đều không quên được những chiếc đèn dầu le lói trong mỗi gia đình. Có nhiều loại đèn dầu, có loại được bán sẵn, thân đèn và bóng đèn bằng thủy tinh, loại đèn này rẻ và phổ biến, có loại bằng inox thì đắt hơn.
Nhiều gia đình còn sáng tạo bằng cách mua bấc đèn và cho vào chai thủy tinh làm đèn. Loại này không có bóng đèn, dễ tắt khi gặp gió.
Thời đó, thương mại cũng khó khăn, thỉnh thoảng tôi bắt gặp người bán đèn dầu đèo 2 cái sọt lớn bên trong chứa đầy rơm để bảo quản đèn và bóng đèn, họ rong ruổi đi vào các làng quê để rao bán đèn và bóng.
Dầu hỏa cũng vậy, không có cây xăng như bây giờ, ngoài chợ phiên, chợ huyện có ông/bà bán dầu ra thì cũng có người đi bán dạo dầu hỏa.
Mỗi nhà thời đó đều có 1 chai dầu dự trữ ở góc nhà. Dầu thường được đựng trong chai thủy tinh hoặc nhà ai sang lắm thì đựng trong can nhựa hoặc can sắt. Tôi nhớ nhiều khi nhà hết dầu mà chưa kịp mua, ông bà còn sai đi khắp xóm xin, vay dầu, có khi chạy khắp xóm mới xin được một chút. Những lúc đó lũ trẻ chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì còn có ánh sáng đèn dầu mà ngồi chơi.
Tuổi thơ của thế hệ 7X, 8X chúng tôi gắn liền với những chiếc đèn dầu. Ảnh minh họa |
Có thể nói tuổi thơ của chúng tôi gắn liền với những chiếc đèn dầu. Khi đi học cấp 1, chiếc đèn còn tiếp tục gắn bó với tôi. Ngay cả khi có điện lưới kéo về thì chiếc đèn vẫn còn được sử dụng đề phòng cúp điện hoặc khi có bão lũ. Ánh đèn dầu le lói, bập bùng đủ để soi rõ trang sách chúng tôi học tập suốt thời thơ ấu.
Đáng nhớ nhất là khi học cạnh chiếc đèn, lúc mà khói muội đen hết cả bóng đèn, tôi loay hoay cầm bóng để lau chỗ muội đen đi thì bị bỏng tay, vỡ cả bóng. Những lúc như vậy, tôi rất sợ bị đánh đòn vì làm vỡ bóng.
Những đêm mùa đông lạnh giá, chiếc đèn dầu không những soi sáng cho chúng tôi học tập mà còn là vật sưởi ấm nữa. Khi trời lạnh tay bị cóng không viết chữ được, tôi hơ tay sát bóng đèn để hơi ấm tỏa ra sưởi ấm tay. Có những khi lười học, tôi còn mong đèn nhanh hết dầu để được đi ngủ sớm hoặc để được ra ngoài đốt lửa chơi với lũ bạn cùng xóm.
Thời đó gia đình khó khăn, để tiết kiệm dầu, đèn chỉ được châm khi trời đã tối hẳn, và để tiết kiệm dầu thì phải điều chỉnh cho đèn cháy ở mức nhỏ nhất. Nếu đèn cháy to quá thì nhanh hết dầu mà sinh ra nhiều khói.
Đèn dầu xưa không chỉ có tác dụng thắp sáng mà còn nhiều tác dụng khác, đặc biệt là dầu hỏa. Dầu dùng để trị kiến, gián tìm đến các lọ mỡ hay trên chạn bát đĩa. Tôi nhớ ông nội thường đổ dầu vào 4 cái bát và kê dưới chân chạn bát nhằm ngăn kiến bò lên.
Đêm xuống khi cần phải đi đến nhà ai đó thì chiếc đèn dầu còn được cầm đi để soi đường. Hình ảnh những chiếc đèn le lói trên đường xa xa hoặc ngoài cánh đồng của những người đi soi lươn soi cá đã len lỏi vào trong tâm thức tôi thời bấy giờ.
Đến khi hình ảnh chiếc đèn dầu xuất hiện trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam thì chiếc đèn dầu càng khắc sâu hơn trong tuổi thơ tôi. Nó đã theo tôi lớn lên trong những năm tháng đầu đời, hình ảnh ấy mãi mãi không bao giờ quên được.
Theo vietnamnet.vn
.