(ABO) Sáng 15-8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy mạnh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang. |
Tại hội nghị, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam – Bộ VHTT&DL đã báo cáo nội dung giải pháp phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 82/NQ-CP và Chiến lược Marketing Việt Nam đến năm 2030; nội dung về một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Để ngành Du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm, Nghị quyết 82/NQ-CP đã đề ra phương châm “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch, đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
Để thực hiện phương châm này, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết 82/NQ-CP đề ra là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Một trong những giải pháp trọng tâm là tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Đồng thời, đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Tại hội nghị, các địa phương đã thông tin về tình hình phát triển du lịch trên địa bàn, cũng như các định hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ngành Du lịch đã đạt được một số kết quả nhất định, giúp củng cố niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế và thách thức. Phát triển du lịch Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có.
Đó là Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, chất lượng còn hạn chế, sự kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế.
Du lịch Tiền Giang đang phục hồi tích cực. |
Việc hoạch định chiến lược về thị trường, các đối tác chưa kịp thời điều chỉnh trước những biến động của tình hình thế giới và trong khu vực. Việc liên kết trong phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực… chưa thực sự được quan tâm.
Đồng chí Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các địa phương tiếp tục đổi mới và nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, bảo đảm phát triển du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, có quy hoạch, định hướng lâu dài trên cơ sở nghiên cứu và hội nhập sâu rộng.
Các địa phương cần phát triển du lịch một cách toàn diện và sâu rộng nhằm phát huy tối đa nội lực, huy động và sử dụng hiệu quả ngoại lực gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp.
Các tỉnh, thành tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước xây dựng, xác lập, định vị thương hiệu du lịch Việt Nam; tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo đột phá trong phát triển du lịch.
Các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp du lịch khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình phổ biến, quán triệt và triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP.
Từ này đến cuối năm, Bộ VHTT&DL sẽ trình Chính phủ quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045.
Đồng thời, phê duyệt một số Đề án như: Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; nghiên cứu thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài.
M. THÀNH
.