(ABO) Nhân Kỷ niệm 83 năm Ngày Truyền thống Lực lượng vũ trang tỉnh Tiền Giang (12-8-1940 – 12-8-2023), ngày 11-8, Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành và xã Thạnh Phú, cùng Ban Liên lạc Đại đội Biệt động thị trấn Vĩnh Kim đã về nơi thành lập Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho (tổ chức tiền thân của Lực lượng vũ trang tỉnh Tiền Giang ngày nay) tại ấp Miễu Hội, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Cựu chiến binh thắp hương phần mộ ông Tư Tĩnh và thân mẫu của ông Tư. |
Phần mộ ông Tư Tĩnh và thân mẫu của ông Tư những năm trước đây, hiện đã được ông Tiết trùng tu. |
Trước sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của phong trào đấu tranh cách mạng, sự trưởng thành nhanh chóng của lực lượng tự vệ, để bảo đảm có một tổ chức chặt chẽ cho Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, ngày 12-8-1940, tại nhà ông Tư Tĩnh ở xóm Vườn, ấp Miễu, xã Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Miễu Hội, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), Tỉnh ủy Mỹ Tho mở Hội nghị thành lập Ban Quân sự tỉnh gồm 7 đồng chí, đồng chí Nguyễn Hữu Thường làm Trưởng ban. Ngày 12-8-1940 trở thành Ngày truyền thống của Lực lượng vũ trang Tiền Giang.
Căn nhà của ông Tư Tĩnh, nơi Tỉnh ủy Mỹ Tho mở Hội nghị thành lập Ban Quân sự tỉnh. |
Từ đầu tháng 8 năm 1940 cho đến trước ngày khởi nghĩa, Tỉnh ủy Mỹ Tho đã 3 lần tổ chức hội nghị (đầu tháng 8, 10 và tháng 11) tại xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành nhằm bàn những biện pháp cụ thể cho việc chuẩn bị khởi nghĩa. Đây là chủ trương đúng đắn, mang tính chủ động, sáng tạo, có tầm nhìn chiến lược của Tỉnh ủy. Sau khi được thành lập, Ban Quân sự tỉnh đã tổ chức xây dựng lực lượng bao gồm hàng ngàn tự vệ, du kích tại chỗ và lực lượng du kích tập trung, có căn cứ quân sự riêng, được tổ chức, chỉ huy chặt chẽ. Trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, chính lực lượng này đã làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền.
Ông Nguyễn Văn Tiết (áo trắng) miêu tả lại căn nhà của ông Tư Tĩnh, nơi thành lập Ban Quân sự tỉnh. |
Căn nhà của ông Tư Tĩnh hiện nay không còn. |
Ông Nguyễn Văn Tiết (sinh năm 1944) là người ở gần và từng tiếp xúc với ông Tư Tĩnh đã kể lại những gì nghe được về gia đình ông Tư Tĩnh từng nuôi giấu cán bộ, cho cán bộ mượn nhà và canh gác cho cán bộ tổ chức các cuộc họp quan trọng. Hiện nay, căn nhà ông Tư Tĩnh không còn nữa, đất đai và con cháu không có, nên ông Tiết chăm sóc phần mộ ông Tư Tĩnh và thân mẫu của ông Tư trên mảnh vườn của mình.
HÀ NAM
.