Di tích Ao Dinh và mộ nghĩa quân Trương Định thuộc loại hình di tích lịch sử. Đây là nơi Trương Định tuẫn tiết ngày 20/8/1864 tại Ao Dinh và 2 nghĩa quân của ông.
Theo các vị cao niên làng Tân Phước, trước đây khi Trương Định tử tiết, khu vực ao còn là rừng hoang, nhà cửa dân làng còn thưa thớt, thú hoang rất nhiều, đa số gia đình của nghĩa quân và người các nơi do ông tuyển mộ để cùng ông khai khẩn đất hoang làm ruộng.
Chung quanh ao nhiều cây cổ thụ, hai người ôm chưa giáp. Tuy đã hơn 150 năm tồn tại, ngày nay Ao Dinh vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu, diện tích khoảng 1.000m2, bờ ao trồng các loại cây chống sạt lở như bình bát, mãng cầu; chung quanh ao còn các dãy đất ngang từ 8 – 10m là những dãy đất đào ao trước đây tạo nên. Trên những dãy đất này, từ xưa đến nay nhân dân trồng các loại hoa màu.
Theo Hồ sơ di tích Ao Dinh lưu trữ tại Bảo tàng Tiền Giang, sau khi rút khỏi Lý Nhơn (năm 1863), Trương Định về khu “Đám lá tối trời” (khoảng giữa hai làng Tân Phước và Kiểng Phước, thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang ngày nay) để củng cố lại lực lượng và xây dựng bản doanh để hoạt động. Nghe tin Trương Định về căn cứ “Đám lá tối trời” hoạt động, thực dân Pháp đã tung mật thám, Việt gian ráo riết theo dõi hoạt động của nghĩa quân, bằng mọi cách phát hiện được tung tích của Trương Định.
Tại nhà ông Đoàn Văn Lâu, đêm 19 rạng ngày 20-8-1864, Trương Định cùng 25 nghĩa quân bị Huỳnh Công Tấn đến bao vây.
Sau một thời gian truy lùng, ngày 19-8-1964, Huỳnh Văn Tấn xác định được địa điểm trú ngụ của ông. Tấn lập tức tập trung lực lượng, nhân đêm tối bí mật kéo tới bao vây nhà ông Đoàn Văn Lâu (đây là nơi Trương Định làm cơ sở bàn việc quân cơ trong lúc sinh thời) ở xóm Rạch Già, xã Tân Phước. Do thiếu cảnh giác nên Trương Định và 25 nghĩa quân không hề hay biết. Sáng sớm hôm sau (ngày 20-8-1964), Huỳnh Văn Tấn cho quân bao vây căn nhà.
Theo như sách “Gò Công cảnh cũ người xưa”, tác giả Việt Cúc đã viết về cuộc truy lùng và cái chết của Trương Định như sau: “…Tấn dẫn binh Pháp bao vây xóm nhỏ gần đám lá tối trời, thế cùng lực kiệt, Ngài bị thương nơi đùi và tuốt gươm tử tiết nơi ấy. Phía sau lưng ngài có Đốc binh Chấn cũng bị thương nơi vai. Tuy bị thương, ông Chấn vẫn đủ sức nhảy đến đỡ Ngài lên, nhưng vì máu ra quá nhiều, Ngài tắt hơi trên tay ông Đốc binh Chấn…”.
Hiện nay, nơi Trương Định tử tiết là một khoảnh đất trống nay thuộc ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông. Từ ngày Trương Định hy sinh, dân địa phương gọi nơi đây là “khuôn đất Vinh”, về sau đào ao lấy nước gọi là Ao Dinh. Gần Ao Dinh có 2 ngôi mộ của nghĩa quân bị thực dân Pháp bắt và sau đó xử tử. Theo hồ sơ di tích “Cụm di tích Ao Dinh” do Bảo tàng Tiền Giang thực hiện, một trong 2 ngôi mộ của nghĩa quân có tên là Đoàn Văn Chờ.
Ao Dinh và mộ nghĩa quân Trương Định là một trong những di tích quan trọng trong cụm di tích Trương Định ở Gò Công. Khu di tích là một minh chứng cho cuộc khởi nghĩa kiên cường bất khuất của Trương Định và nghĩa quân, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, dù hy sinh nhưng quyết không để rơi vào tay giặc.
Hiện nay, đến ngày 20-8 hằng năm, chính quyền và nhân dân nơi đây tổ chức lễ dâng hương tại Ao Dinh và ngôi miếu gần khu vực 2 ngôi mộ nghĩa quân Trương Định để ghi nhớ công ơn bảo vệ Tổ quốc của Trương Định và nghĩa quân đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, quyết không đầu hàng giặc.
NGUYỄN MẠNH THẮNG