Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, với những thành tựu và dấu ấn lịch sử 80 năm an sinh xã hội, giai đoạn tới, trong hành trình mới, tiếng thơm 80 năm qua của ngành LĐ-TB&XH tiếp tục được lan tỏa.
Lao động, việc làm năm 2024 nhiều điểm sáng, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Trên tất cả, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đem lại những hiệu quả lớn.
Đây là những nét chính, tổng quan trong nhiều cố gắng, nỗ lực của ngành, được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết của ngành LĐ-TB&XH năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và định hướng phát triển giai đoạn 2026-2030 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội diễn ra sáng nay 27/12.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị.
Tham dự có các Thứ trưởng: Nguyễn Bá Hoan, Lê Tấn Dũng, Nguyễn Thị Hà, Lê Văn Thanh;
Dự hội nghị còn có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, cùng lãnh đạo các Ban của Đảng, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương… và các sở trên cả nước qua các điểm cầu.
Khai mạc hội nghị, thay cho báo cáo là thước phim nhanh về các mốc đạt được trong năm 2024 và cả giai đoạn 2020-2024.
Xuyên suốt gần 80 năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã ghi dấu những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, và là chỗ dựa vững chắc của người có công, lao động cần lao, và toàn xã hội; các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành LĐ-TB&XH đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu của cách mạng Việt Nam…
Lao động, việc làm đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong lĩnh vực xã hội, lao động – việc làm năm 2024, ngành đã nỗ lực cao nhất để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…
Về các nhiệm vụ cụ thể, ngành LĐ-TB&XH trong năm qua cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Đáng chú ý, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ LĐ-TB&XH, nhìn chung đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra góp phần hoàn thiện thể chế về lao động, người có công và xã hội; làm cơ sở, tạo nền tảng pháp lý cho thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Bộ đã hoàn thành 24 đề án, còn 15 đề án đang trình trong tháng 12.
Trong đó, đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với 14 nội dung lớn mang tính cải cách và xem xét, thảo luận dự án Luật Việc làm (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 07 nghị định 01 nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 quyết định, ban hành theo thẩm quyền 13 thông tư.
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhìn chung đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra góp phần hoàn thiện thể chế về lao động, người có công và xã hội; làm cơ sở, tạo nền tảng pháp lý cho thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về thị trường lao động chứng kiến đà phục hồi nhanh, mạnh mẽ, đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định.
Thể chế thị trường lao động tiếp tục được hoàn thiện, phát triển nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Các giải pháp kết nối cung – cầu, nhất là kết nối thông tin về lao động – việc làm giữa các tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm được đẩy mạnh;
Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm được sắp xếp, tổ chức lại để nâng cao hiệu quả hoạt động; điều tiết cung – cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động được nâng cao rõ rệt. Các hoạt động quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư và cơ sở dữ liệu khác và Đề án 06 được tăng cường…
Có thể thấy, tình hình lao động, việc làm năm 2024 nhiều điểm sáng, ước thực hiện năm 2024 đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước đạt 28,1%.
Đáng chú ý, cả năm đưa khoảng 150 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 120% kế hoạch.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 1.893,4 nghìn người so với năm 2020;
Lao động có việc làm là 51,6 triệu người, tăng 2.060,1 nghìn người so với năm 2020; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,38%, giảm 1,2 điểm % so với năm 2020; lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính là 14,76 triệu người, tăng 1,95 triệu người.
Song song đó, thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến hết tháng 12/2024, đối tượng tham gia BHXH đạt khoảng 20,1 triệu người, chiếm 42,7% lực lượng lao động trong độ tuổi (trong đó: BHXH bắt buộc đạt khoảng 17,8 triệu người, BHXH tự nguyện đạt hơn 2,3 triệu người), tăng trên 4 triệu người so với năm 2020.
Tính đến hết tháng 11 năm 2024 số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 15,8 triệu người, chiếm khoảng 33% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng trên 2,5 triệu người so với năm 2020.
Đặc biệt, các chính sách tiền lương, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp được thực hiện tốt. Điều này thể hiện ở các cơ chế, chính sách về lao động, tiền lương trong năm 2024 tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện.
Trong đó tập trung vào thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách tiền lương trong doanh nghiệp như điều chỉnh mức lương tối thiểu (tăng bình quân 6%), xây dựng chính sách tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Đáng chú ý, tiền lương, thu nhập tăng (năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020), đời sống của người lao động có sự cải thiện.
Giáo dục nghề nghiệp: Nhiều dấu ấn nổi bật
Trong những dấu ấn nổi bật, không thể không kể đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chất lượng được nâng cao, gắn kết công tác đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ.
Triển khai rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDNN công lập bảo đảm phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng, miền; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng; đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Chỉ số chất lượng đào tạo nghề Việt Nam cải thiện rõ rệt trong năm 2023, tăng 8 bậc, vượt so với chỉ tiêu đặt ra (5 bậc). Ước tuyển sinh năm 2024 được 2.430.000 người, đạt 100% kế hoạch.
Ước 4 năm 2021-2024, cả nước tuyển sinh khoảng 8.373.870 người (trong đó: Trình độ cao đẳng và trung cấp là: 1.705.070 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 6.668.800 người); tốt nghiệp khoảng 7.110.242 người.
Thực hiện đầy đủ, minh bạch các chính sách, chế độ người có công
Thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Đến hết năm 2024 đã thực hiện chi trả trợ cấp cho 1.066.632 người có công với cách mạng với kinh phí khoảng hơn 23.000 tỷ đồng.
Nhiều hoạt động tri ân các anh hùng, liệt sĩ, người có công người có công với cách mạng và thân nhân diễn ra trang trọng, thiết thực, hiệu quả trên cả nước.
Cũng theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ cũng đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1007/QĐ-TTg ngày 30/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đưa vào vận hành Trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ phục vụ công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Phối hợp với Bộ Công an ra mắt Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ để lưu trữ ADN thân nhân liệt sĩ phục vụ công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp mới 298 bằng Tổ quốc ghi công; cấp lại 11.163 bằng Tổ quốc ghi công; Cấp trích lục 207 hồ sơ liệt sĩ, Tra cứu 12.900 bộ hồ sơ.
Phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc xây dựng Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công, tính đến nay tổng số hộ gia đình người có công có nhu cầu nhưng chưa được hỗ trợ về nhà ở là 162.014 hộ (trong đó xây mới là 75.394 hộ, sửa chữa 86.620 hộ); tổng kinh phí dự kiến là 7.122 tỷ đồng
Bên cạnh đó, các lĩnh vực xã hội khác như: xóa đói giảm nghèo cũng được thực hiện nhanh và bền vững, thu nhập của hộ nghèo được nâng lên, đời sống được cải thiện rõ rệt. Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Tính chung giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 4,2% (giảm bình quân khoảng 1,05%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm.
Rồi nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng dần mức trợ cấp cho các đối tượng; Bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh; Bình đẳng giới đạt nhiều kết quả tích cực; Công tác cai nghiện ma túy, phòng chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được quan tâm chỉ đạo thực hiện…
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế cũng có nhiều bứt phá, đó là luôn chủ động, tích cực hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế, tiếp tục triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tích cực, chủ động tham gia và thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực, phối hợp tốt với các Bộ thể hiện vai trò tiên phong của Việt Nam trong công tác giảm nghèo, bình đẳng giới qua việc đăng ký Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong tham gia Liên minh toàn cầu chống đói nghèo, tham gia Hội đồng chấp hành UNWomen.
Qua đó, góp phần củng cố, mở rộng và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội.
Với những kết quả nổi bật trên trong năm 2024 và cả giai đoạn 2000 – 2024, đã thực sự tạo đà thuận lợi cho phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và các năm tiếp theo.
Bộ LĐ-TB&XH nhìn nhận, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển KTXH theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng; 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 80 năm thành lập Nước; và Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc…
Với tất cả tinh thần đó, các nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội tiếp tục phải được triển khai đồng bộ, hiệu quả, để thực hiện và hoàn thành thắng lợi mục tiêu Kế hoạch năm 2025 đã đề ra; đặc biệt là Nghị quyết số 158/20254/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển KTXH năm 2025.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, với những thành tựu và dấu ấn lịch sử 80 năm an sinh xã hội, giai đoạn tới, trong hành trình mới, tiếng thơm 80 năm qua của ngành LĐ-TB&XH tiếp tục được lan tỏa…
Ban Chuyên trang Dân sinh
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/tieng-thom-cua-nganh-ld-tbxh-trong-suot-80-nam-tiep-tuc-duoc-lan-toa-20241227003747563.htm