Nhạc sĩ Lưu Cầu tên thật là Nguyễn Hoàn Cầu, quê ở thị xã Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang. Ông sinh ngày 30/11/1930. Ông tham gia cách mạng rất sớm. Năm 1948, nhạc sĩ Lưu Cầu được chuyển về Đài phát thanh Tiếng nói Nam bộ, khi ấy đóng tại rừng U Minh. Ông để lại ấn tượng cho công chúng về một tâm hồn tươi trẻ, giản dị, giàu cảm xúc qua những ca khúc như: “Khu rừng miền Đông”, “Chuyện Trung Du”, “Anh và tôi”…
Cuối 1954, khi tập kết ra Bắc, nhạc sĩ Lưu Cầu vào học Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) sau đó về công tác tại Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Những ca khúc nổi bật của ông thời kỳ này là: “Quê tôi”, “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”… và ca khúc “Về đây với đường tàu” viết về thanh niên xung phong. Âm nhạc của nhạc sĩ Lưu Cầu thiên về chất trữ tình sâu lắng mang âm hưởng dân gian và có phong cách riêng.
Là một trong số nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên được đào tạo chuyên nghiệp tại trường Âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Lưu Cầu đã thử sức ở nhiều thể loại âm nhạc như: ca khúc; hợp xướng và dàn nhạc; tiểu phẩm viết cho nhạc cụ độc tấu; sáng tác âm nhạc cho múa, cho phim. Qua mỗi tác phẩm ở các thể loại, người nghe đều thấy ở đó những tìm tòi như: cấu trúc giai điệu, hình tượng âm nhạc… Ngoài công việc sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Lưu Cầu còn làm nhiệm vụ của một biên tập viên, một người phụ trách Ban biên tập viên Âm nhạc. Nhạc sĩ đã góp phần đưa hàng vạn bài ca, bản nhạc lên làn sóng Đài để kịp thời phản ánh đời sống âm nhạc và phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng, đồng thời nâng cao thẩm mỹ âm nhạc của người nghe.
Năm 2001, nhạc sĩ Lưu Cầu vinh dự được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật cho các tác phẩm: “Miền Nam ơi chúng tôi đã sẵn sàng”, “Về đây với đường tàu”, “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”, “Bài ca đất nước anh hùng” và tác phẩm hợp xướng “Cửu Long Giang”.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Lưu Cầu đã đạt đỉnh cao với ca khúc “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” (lời phỏng thơ Trần Nhật Lam), một trong những tác phẩm âm nhạc viết về Bác thành công nhất. Ca khúc “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” ra đời chỉ khoảng một tuần sau ngày Bác mất (năm 1969), và là ca khúc viết về Bác đầu tiên sau khi Người mất, được Đài Tiếng nói Việt Nam ghi âm và phát sóng. Ngay lập tức “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” trở thành bài hát được hát nhiều nhất vào những ngày đó.
Theo nhạc sĩ Trương Quang Lục kể lại: “Một buổi sáng mùa thu năm 1969, Lưu Cầu theo chân Đoàn cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam đến quảng trường Ba Đình tiễn biệt Bác Hồ. Trong niềm thương tiếc vô hạn, Lưu Cầu như nghe văng vẳng đâu đây câu nói tâm huyết của Bác ngày nào: “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Câu nói chí tình ấy từ lâu làm rung động trái tim nóng bỏng những người con Nam bộ tập kết, giờ đây đem lại cho Lưu Cầu cảm xúc viết nên bài hát này: “Dẫu núi có mòn, mà sông kia có cạn/Miền Nam ơi, Miền Nam nhớ mãi ơn Người thiết tha? Hai tiếng miền Nam luôn trong tim của Người/Thương nhớ ngày đêm không phút giây nào nguôi…”.
Năm 2001, tham gia mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc”của Ca nhạc theo yêu cầu thính giả (YCTG), nhiều bạn đã viết bài cảm nhận về bài hát “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”. Bạn Cao Lan Hương ở đội 5, Phú Châu, Đông Hưng, Thái Bình đã mở đầu bài cảm nhận của mình: “Bác Hồ là kết tinh của vẻ đẹp Việt Nam – Người chính là sen của loài người” – nhà thơ Chế Lan Viên đã viết về Bác như vậy. Vâng, không biết tự bao giờ hình ảnh Bác đã trở thành tượng đài vĩnh cửu trong trái tim người Việt Nam và ca khúc “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” là một tâm niệm, một tiếng lòng biết ơn sâu sắc của đồng bào Miền Nam đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.
Theo bạn Cao Lan Hương thì ngay đầu bài hát, nhạc sĩ Lưu Cầu đã khẳng định: “Dẫu núi có mòn, sông có cạn” nhưng “Miền Nam vẫn mãi nhớ ơn Người”.
Cũng về bài hát “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”, bạn Hòa Hồng Liên ở An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình viết: “Một bài ca thật tha thiết nhớ nhung khi mà vừa người và cảnh xen lẫn hòa quyện chung một tình cảm với Bác kính yêu. Tất cả như đang níu mãi dáng hình của Bác. Bác tuy không còn nữa nhưng chúng ta đã thực hiện được ý nguyện của Người, đã dâng lên Người với tấm lòng thành kính những đóa hoa tươi đẹp nhất”.
Cùng chung suy nghĩ với bạn Hòa Hồng Liên, nhưng có sự cảm nhận riêng về nhạc sĩ sáng tác, bạn Cao Lan Hương viết: “Tôi không hề biết nhạc sĩ Lưu Cầu đã sinh ra và lớn lên ở đâu nhưng có một điều tôi cảm nhận được ở nhạc sĩ đó là tình cảm thiết tha, chân thành của ông đối với Bác kính yêu”.
Trước khi kết thúc bài bình của mình, bạn Cao Lan Hương bày tỏ: “Tôi muốn nhắc tới tên một bài thơ rất hay của Felix Pita Rodriguez, nhà thơ Cuba: “Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ”. Vâng, Người là biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh đã trở thành ngôn ngữ chung của dân tộc ta như nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết: Nhân dân ta gọi Người là Bác/ Cả đời Người là của nước non”.
Nguồn: https://vov.vn/van-hoa/am-nhac/mien-nam-nho-mai-on-nguoi-tieng-long-cua-dong-bao-mien-nam-voi-bac-post1098172.vov