Vai cô Ba Vân của diễn viên Lê Lộc trong vở nhạc kịch “Bông cánh cò” trên Sân khấu Kịch Hồng Vân là một bước tiến mới của diễn viên này. Bởi ngoài việc mang lại tiếng cười, Lê Lộc còn hát rất ngọt ngào, sâu lắng các ca khúc của dòng nhạc Bắc Sơn mang lại hiệu ứng tích cực cho vở nhạc kịch thuần Việt.
Hài tỉnh queo trong từng câu thoại
Diễn viên Lê Lộc thừa hưởng duyên hài của cha và mẹ (nghệ sĩ Duy Phương, Lê Giang – PV) nên vào vai diễn tính cách rất hợp. Thể hiện diễn xuất giữa ranh giới hài và bi là một điều rất khó, song Lê Lộc đã hóa thân rất tốt vào vai cô ba Vân – lúc đỏng đảnh, lúc rất chân thành trong vở nhạc kịch “Bông cánh cò” mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả.
Trên sân khấu Trương Hùng Minh, trong vở “Mẹ hát rong”, nghệ sĩ Minh Nhí (vai Bé Tí), Việt Hương (vai dì hai) và Huỳnh Lập (vai chú ba) là ba nhân vật tạo tiếng cười thú vị, cuốn hút khán giả.
Với thủ pháp dàn dựng hài kịch mượn thông điệp châm biếm để gửi đến khán giả những bài học sâu sắc thông qua vở “Một ngày làm vua”, nghệ sĩ Quốc Thịnh (vai Ali) và Đình Toàn (vai Khalip) đã mang lại cho khán phòng đầy ắp tiếng cười. Quốc Thịnh đã có sự yểm trợ đắc lực của nghệ sĩ Đình Toàn để cả hai tung hứng đầy duyên dáng. Sự xuất hiện của Quốc Thịnh trên sân khấu Nhà hát Kịch IDECAF đã mang một làn gió mới trong cách tạo tiếng cười theo kiểu náo kịch trong một câu chuyện ở làng chài.
Nghệ sĩ Quốc Thịnh
Trên sân khấu Nhà hát Thanh Niên thuộc sân khấu IDECAF cũng có một vở nhạc kịch đầy chất trẻ, đó là “Em em chị chị” (tác giả Mai Thịnh – Lê Thúy, đạo diễn Quốc Thịnh). Đây là vở diễn nằm trong chuỗi hoạt động mang lại sự phong phú trong dàn kịch mục của sàn diễn này và ở đó có vai diễn rất duyên của Quốc Thịnh.
NSƯT Hữu Châu trong vai ông Mạnh Hoài (vở nhạc kịch “Giáng Hương – Sân khấu về khuya”) không hẳn là vai hài, nhưng lớp diễn khiến ông nhớ về thời oai liệt của người kép hát nổi tiếng, những mẩu chuyện hậu trường sân khấu khiến vai diễn thêm phần cuốn hút.
Diễn viên Phương Lan (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Trên sân khấu Nhà hát Thế giới trẻ, hai nữ diễn viên có vai hài ấn tượng là PuKa (vai Thị Mầu) và Phương Lan (vai Thị Hến) trong vở kịch “Ngày hội cái bang” do đạo diễn NSƯT Hữu Châu dàn dựng theo kịch bản của Trần Đăng Nhân. Mang nét hài tỉnh queo trong từng lời thoại, Phương Lan và Puka vận dụng hoàn cảnh quy định và những tình huống để tạo tiếng cười, vì thế số phận của họ trở nên thăng hoa, có sự bổ sung cho nhau để làm rõ chủ đề trách nhiệm của người mẹ đối với con mình.
Trên sân khấu Nhà hát Kịch IDECAF còn có một vở thu hút đông khán giả là “Sắc màu” được tái dựng với phiên bản mới mà trong câu chuyện có vai diễn Helen Đại – một nhà thiết kế thời trang có cá tính dị biệt nhưng lại là “ngòi nổ” tạo nên tiếng cười sinh động.
Vai bà Bá Hộ của diễn viên Kim Đào trong vở kịch “Ve ve, chành chành và hai cục bướu” diễn tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM là một nhân vật hài dành cho khán giả thiếu nhi với những bài học giáo dục sâu sắc, kèm theo đó là tiếng cười sảng khoái bởi cá tính kỳ quặc của bà Bá Hộ.
“Ve ve, chành chành và hai cục bướu” còn tạo sự lôi cuốn với diễn viên Đại Nghĩa và Kim Đào – hai diễn viên đã vận dụng những ưu thế từ hình thể lí lắc đến cá tính hài hước vẽ nên hai hình tượng rất ấn tượng cho khán giả.
Diễn viên Đại Nghĩa
Khán giả cười nghiêng ngã
Trong vở cải lương tuồng cổ “Long Lân Quy Phụng” (tác giả và đạo diễn: Bạch Long) tại Nhà hát Nụ Cười của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, nghệ sĩ Bạch Long có vai diễn Triệu Hổ, là vai hài tính cách cũng chính là sở trường của nam nghệ sĩ, đã mang lại những tràng pháo tay vang dội của khán giả. Xuất hiện trên sân khấu với các diễn viên là học trò của mình, nghệ sĩ Bạch Long đã hóa thân xuất sắc vai diễn này qua đó tỏa sáng tính cách nhân vật cho các diễn viên như NSƯT Tú Sương, nghệ sĩ Trinh Trinh, Chấn Cường, NSƯT Tâm Tâm và thế hệ rất trẻ sau này như Thúy My, Bạch Ngân, Kim Nhuận Phát, Bạch Liên, Bạch Luân, Bạch Tú My, Đổng Tường, Hồng Phúc, Gia Lâm, Phú Yên… Tất cả đã hòa vào mạch diễn của anh mà làm cho sàn diễn rộn rã tiếng cười.
Trên sân khấu Nhà hát Trần Hữu Trang, nghệ sĩ Cao Mỹ Châu lâu nay được xem là nữ diễn viên vào vai đa dạng, cô vừa diễn vai hài vừa diễn được vai bi, ở bất cứ lứa tuổi nào cô cũng hóa thân đầy cảm xúc dù đó chỉ là vai phụ. Cụ thể, gần đây vai cô Ế trong vở “Nguyễn Hữu Cảnh”, chỉ với một lớp diễn ngắn nhưng cực kỳ duyên, mang lại tiếng cười thú vị cho người xem bởi nét diễn thông minh, lém lỉnh của cô.
Nghệ sĩ Cao Mỹ Châu
Trên sân khấu Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, nghệ sĩ Trường Khải có vai diễn già làng Thủy Ngư trong vở “Khơi nguồn”, được xem là bước tiến mới của anh. Trước đó anh cũng được giới chuyên môn đánh giá cao qua các vai hài trong các vở: “Chí Phèo”, “Vực sâu cạm bẫy”, “Vương triều đẫm lệ”, “Hương sắc mùa xuân”… Nghệ sĩ Trường Khải diễn hài với cách ca diễn trong ca, ca trong diễn, ứng biến với các vai hài tính cách, tạo cho vai diễn nhiều sắc thái.
Nghệ sĩ Hoàng Minh Vương trong vai ông thương gia vở “Người đối diện lương tâm” (đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu) đã làm khán giả cười nghiêng ngả bởi cái nết “già dê” mà còn xấu tính. Vốn có giọng ca và luôn quan sát cuộc sống để đưa vào vai diễn, vai hài của Hoàng Minh Vương luôn mang số phận dù ngắn ngủi nhưng để lại trong lòng khán giả nhiều cảm tình.
Theo những người trong cuộc, trong năm 2023 các đạo diễn sân khấu không còn để mặc diễn viên hài tung tẩy mà có sự định hướng để tiếng cười đi đúng đường: vừa giúp người xem thư giãn, giải trí vừa lên án cái xấu, tiêu cực, tệ nạn trong cuộc sống.
Các nhà chuyên môn nhìn nhận năm 2023 có nhiều vai diễn gieo được tiếng cười trên sân khấu từ sự chăm chút, tạo được dấu ấn đẹp qua sự thể hiện duyên dáng và đầy trách nhiệm của các diễn viên hài. Họ luôn ý thức làm mới mình, nên sự xuất hiện của họ đã tăng thêm niềm vui, tiết tấu cho vở diễn góp phần làm rõ hơn tính chủ đề, tư tưởng của vở diễn.
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/de-cu-giai-mai-vang-lan-thu-29-hang-muc-dien-vien-hai-tieng-cuoi-mang-so-phan-nhan-vat-20231010211821523.htm