Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer đang lên kế hoạch bỏ phiếu về một thỏa thuận lưỡng đảng nhằm giúp Mỹ tránh được một vụ vỡ nợ thảm khốc ngay trước ngày 1/6.
“Chúng tôi vẫn chưa đạt được sự thống nhất về bất cứ điều gì, nhưng tôi đã nhìn thấy con đường đi đến một thỏa thuận về nguyên tắc vào cuối tuần này”, ông McCarthy nói với các phóng viên trên Đồi Capitol vào sáng 18/5.
Thỏa thuận này sẽ được thông qua lần lượt ở Hạ viện, Hạ viện, sau đó mới đến bàn của Tổng thống Joe Biden. Đảng Dân chủ đã thông báo tới các thượng nghị sĩ rằng họ có thể được gọi trở lại Washington để bỏ phiếu trong thời gian nghỉ dự kiến vào tuần tới.
Tín hiệu tích cực
Đây là nhận định tích cực nhất mà ông McCarthy từng đưa ra về các cuộc đàm phán để tránh vỡ nợ, điều mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã báo cảnh báo có thể trở thành rủi ro ngay sau ngày 1/6.
Ngay sau tin tức này, thị trường chứng khoán Mỹ lập tức chuyển xanh. Chỉ số S&P 500 đạt mức cao nhất trong 9 tháng, đóng cửa chỉ ở mức 4.200. Đồng USD cũng đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 3, tăng giá so với tất cả các đồng tiền ở các thị trường phát triển.
Phản ứng tích cực của ông cũng phù hợp với giọng điệu lạc quan gần đây của Nhà Trắng. Tổng thống Joe Biden hôm 17/5 cho biết, ông “tự tin” có thể đạt được một thỏa thuận để tránh một vụ vỡ nợ chưa từng có xảy ra với nền kinh tế lớn nhất vào đầu tháng 6.
Ông McCarthy cũng cho biết, các cuộc đàm phán đang diễn ra 2-3 lần/ngày, theo một “cấu trúc” nhất định.
Một dấu hiệu cho thấy các cuộc đàm phán đang tiến triển, đó là việc ông McCarthy ca ngợi các nhà đàm phán của Nhà Trắng bao gồm bà Shalanda Young, giám đốc ngân sách và ông Steve Ricchetti, một trong những cố vấn thân cận nhất của ông Biden.
Tổng thống đang ở Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7, nhưng đang được cập nhật về các cuộc đàm phán thông qua ông Bruce Reed, phó chánh văn phòng Nhà Trắng.
Ông Biden sẽ trở lại Washington vào ngày 21/5 để giám sát giai đoạn cuối của cuộc đàm phán, cắt ngắn chuyến đi dự kiến bao gồm các điểm dừng ở Papua New Guinea và Australia.
Bế tắc vẫn còn
Đối ngược với sự lạc quan của ông McCarthy, một đồng minh chủ chốt của ông là Chủ tịch Ủy ban dịch vụ tài chính Hạ viện Patrick McHenry, lại hạ thấp kỳ vọng về một thỏa thuận nhanh chóng.
“Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm”, ông McHenry phát biểu sau cuộc gặp với các nhà đàm phán tại phòng Bầu dục. ông McHenry cũng không chắc chắn liệu có bản thỏa thuận nào được định hình vào cuối tuần hay không, nhưng ông cho rằng “những điều đúng đắn đang được thảo luận”.
Các nhà đàm phán của đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Nhà Trắng đang thảo luận chi tiết về một thỏa thuận tiềm năng, có thể liên quan đến số tiền cắt giảm chi tiêu và quy mô hoặc thời hạn của việc tăng hoặc đình chỉ trần nợ, việc cấp phép các dự án dầu tư lớn, cũng như các yêu cầu công việc mới đối với các chương trình an sinh xã hội.
Ông McCarthy cho biết, ông vẫn đang tiếp tục thúc đẩy các yêu cầu công việc mới liên quan đến các chương trình chống đói nghèo của chính phủ. Đây là điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán.
Trong khi đó, các thành viên đảng Dân chủ cũng ráo riết kêu gọi Tổng thống Biden viện dẫn tu chính án thứ 14 của hiến pháp và bỏ qua vấn đề trần nợ để tiếp tục phát hành trái phiếu, thay vì nhượng bộ chi tiêu và viện trợ cho người nghèo, vì điều đó có thể gây hại cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sự bế tắc giữa hai bên kể từ khi khoản nợ của Mỹ chạm trần vào tháng 1 đã khiến nhiều nhà kinh tế cảnh báo về một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nếu tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” tiếp tục kéo dài. Nếu Bộ Tài chính buộc phải cắt giảm chi tiêu để trả nợ, GDP Mỹ có nguy cơ giảm xuống 8%, theo bà Anna Wong, chuyên gia kinh tế của Bloomberg.
Nguyễn Tuyết (Theo Financial Times, Bloomberg)