Chiều 19/6, sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật này.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định năng lực tài chính của các chủ đầu tư được cấp phép các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản. Mục đích nhằm đảm bảo chủ đầu tư phải đủ năng lực tài chính để khi triển khai thì mới làm dự án đúng tiến độ và đáp ứng yêu cầu.
Bộ trưởng nêu thực tế, có tình trạng hàng trăm nghìn người dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì các chủ đầu tư nợ tiền nộp ngân sách nhà nước.
Theo ông, quy định luật là giao đất cho doanh nghiệp, sau đó mới xác định tiền sử dụng đất. Trường hợp doanh nghiệp không nộp sẽ bị phạt chậm nộp, nhưng tiền phạt thấp hơn lãi ngân hàng. Dẫn tới trường hợp, doanh nghiệp sau khi bán nhà, ứng tiền trước của dân, lấy tiền hình thành trong tương lai đi đầu tư dự án khác, không có tiền nộp ngân sách.
Hệ lụy được Bộ trưởng chỉ ra, là người dân không được nhận giấy chứng nhận, chính quyền sẽ đối diện với sự bất ổn do người dân khiếu nại.
Bộ trưởng Tài chính đề nghị thiết kế trong luật đề nghị đảm bảo chủ đầu tư thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính. Những tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân là dân sự cần đưa ra tòa.
“Nếu có dấu hiệu lừa đảo thì chỉ bắt chủ đầu tư đi tù, nhưng hàng nghìn người dân không được cấp chứng nhận thì ai giải quyết?”, Bộ trưởng đặt vấn đề.
Ông nhấn mạnh, việc chủ đầu tư chưa nộp vào ngân sách là chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, người dân mãi mãi phải đi kiện, chính quyền phải giải quyết bất ổn, gây mất lòng tin.
Trên cơ sở đó, ông Phớc đề nghị cần có quy định để chủ đầu tư nào nộp tiền vào ngân sách, thực hiện nghĩa vụ tài chính mới được giao đất. “Ông cha nói, tiền trao cháo múc, tiền chưa trao mà cháo đã múc thì hôm sau phải đi đòi nợ”, ông chia sẻ.
Nói thêm về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng cho biết, vấn đề nhà ở xã hội có nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước mà đầu tư xây dựng thì cần được duyệt giá bán, nhưng khi doanh nghiệp đầu tư không duyệt giá.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, với nhà ở xã hội dù Nhà nước hay doanh nghiệp đầu tư thì đều phải duyệt giá. Bởi khi xây dựng nhà ở xã hội, Nhà nước không thu tiền sử dụng đất, đối tượng mua cũng theo quy định và Nhà nước phải duyệt, có nghĩa những đối tượng yếu thế phải được mua nhà với giá rẻ.
Bộ trưởng phân tích, nếu xây 1m2 nhà ở xã hội hết 10 triệu đồng, thì bán khoảng 15-17 triệu đồng, như vậy càng tiết kiệm thì càng có lợi, nếu doanh nghiệp được quyết định bán thì “hóa ra ăn tiền chênh lệch”, vì vậy Nhà nước phải quyết định giá để bảo vệ quyền lợi người mua nhà, không trục lợi nhà ở xã hội.