Khởi sắc vùng cao
Phan Dũng là xã vùng cao có đông đồng bào Raglai sinh sống còn nhiều khó khăn nên luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện khoảng 30 km, trước đây đường sá đi lại rất khó khăn. Từ khi được Nhà nước đầu tư tuyến đường nhựa, điện cao thế đưa về thắp sáng, nước sản xuất… diện mạo nông thôn đổi thay. Cùng với đầu tư hạ tầng, tỉnh và huyện còn thường xuyên tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất. Đến nay, đồng bào vùng cao Phan Dũng không chỉ trồng lúa nước với diện tích trên 300 ha cho năng suất hiệu quả, có hộ nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật năng suất lúa theo kịp vùng đồng bằng đạt 7 tấn/ha. Đồng bào Raglai nơi đây còn tận dụng diện tích đồng cỏ chăn nuôi gia súc bò, dê… phát triển diện tích cây ngắn ngày, cây ăn quả mít, bưởi, mãng cầu và mua máy móc máy cày, máy gặt phục vụ sản xuất. Anh Mang Khoa – một người dân xã Phan Dũng nói: “Trước đây khổ lắm làm lúa bằng tay thì nay đã có cày bừa, gặt lúa đều bằng máy móc hết. Bà con còn được Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh đầu tư trước giống, phân bón trồng lúa nước với diện tích khoảng 63 ha với 92 hộ tham gia. Ngoài sản xuất, nhiều hộ còn nhận khoán bảo vệ rừng tăng thu nhập. Cứ chăm chỉ làm lụng không thiếu cái ăn cái mặc như trước nữa”.
Vào vụ sản xuất lúa nước ở Phan Dũng
“So với trước đây, trong sản xuất đồng bào DTTS ở các xã vùng cao đã biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tăng năng suất các loại cây trồng phát triển kinh tế hộ. Không riêng gì đồng bào DTTS ở các xã vùng đồng bằng như Phú Lạc, Vĩnh Hảo năng suất lúa đạt khá 6-7 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt 8 tấn/ha, ngay cả xã vùng cao xa nhất xã là Phan Dũng, Phong Phú hiệu quả sản xuất được nâng lên từ kỹ thuật canh tác đến sản lượng tăng lên. Nhiều nhà còn sắm sửa ti vi, xe máy phục vụ cuộc sống, điện thoại thông minh, máy tính kết nối internet sử dụng ngày càng nhiều…” – ông Lý Thái Duyên, cán bộ chuyên trách Phòng Dân tộc huyện chia sẻ.
Huyện Tuy Phong có 10 dân tộc anh em sinh sống, trong đó DTTS với khoảng 8.994 người, chiếm 6,12% dân số toàn huyện (146.904 người) sinh sống tập trung chủ yếu tại 4 địa phương: Phan Dũng, Phong Phú, Phú Lạc và Vĩnh Hảo. Lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển kinh tế – xã hội miền núi, vùng đồng bào DTTS. Ngay từ những năm đầu mới tái lập, huyện đã tập trung đầu tư một số công trình phục vụ dân sinh, kinh tế – xã hội góp phần phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào. Rồi các chương trình hỗ trợ sản xuất theo chương trình 134, 135; giao khoán bảo vệ rừng, giao đất sản xuất; dự án đào tạo cán bộ và cộng đồng xã Phan Dũng, đào tạo nghề thú y… tiếp tục triển khai đạt kết quả tốt. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp ổn định và phát triển khá, đời sống đồng bào DTTS được cải thiện rõ hơn; lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước tiếp tục được nâng lên.
Đường giao thông kết nối Phan Dũng với Quốc lộ 1A
Trường học ở Phan Dũng được đầu tư khang trang
Đời sống vật chất, tinh thần nâng lên
Bên cạnh sự quan tâm của huyện còn có sự hỗ trợ đặc biệt của Trung ương, của tỉnh nên tình hình dân sinh, kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS tiếp tục phát triển. Trong đó, phải kể đến tuyến đường từ quốc lộ 1A – Phan Dũng được đầu tư thảm nhựa rộng rãi đã kết nối từ khu vực trung tâm huyện đến xã vùng cao Phan Dũng – nơi khó khăn nhất của huyện. Điện lưới quốc gia, hệ thống cấp nước sinh hoạt, hạ tầng bưu chính, viễn thông đều khắp… Đặc biệt, Cửa hàng dịch vụ nông nghiệp tại xã Phan Dũng được đầu tư thời gian qua phát huy hiệu quả. Địa phương hoàn thành và đưa vào sử dụng hồ chứa nước Phan Dũng và đầu tư hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, tạo điều kiện cho người dân xã Phan Dũng phát triển sản xuất nông nghiệp. Các chương trình phát triển dân sinh, kinh tế vùng đồng bào DTTS được triển khai, nhất là thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, cấp đất sản xuất cho người dân, các chương trình khuyến nông, hỗ trợ phát triển sản xuất… giúp đồng bào DTTS có điều kiện để sản xuất nông nghiệp, vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Huyện tiếp tục thực hiện tốt chính sách giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng cho người dân. Cơ sở vật chất y tế, giáo dục; các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư; các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS được phát huy, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện đáng kể.
Trồng nho ở xã Phú Lạc
Hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; giảm nghèo bền vững đối với 3 xã vùng cao, vùng khó khăn của huyện, gồm: xã Phan Dũng, Phong Phú, Phú Lạc. Trong đó, phải kể đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá vùng đồng bào DTTS Tuy Phong thời gian tới. Chương trình triển khai với nhiều dự án thành phần tạo động lực giúp đồng bào có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất. Không xa nữa vùng đồng bào DTTS huyện được đầu tư hoàn thiện thêm cơ sở hạ tầng như: nâng cấp 2 nhà văn hóa thôn Lạc Trị, Vĩnh Hanh (xã Phú Lạc); nhà hỏa táng điện tại xã Phú Lạc. Nhất là dự án khai hoang cải tạo đồng ruộng và hệ thống kênh Khu A (xã Phan Dũng) sau khi công trình hoàn thành sẽ giao đất sản xuất cho 29 hộ dân nơi đây để đưa số diện tích đất cấp vào sản xuất tạo thu nhập ổn định cho đồng bào nơi đây.