KHÓ KHĂN CỦA NGHỀ BIÊN KỊCH
Nhiều đạo diễn phim điện ảnh và truyền hình đều có chung nhận định đội ngũ biên kịch phim Việt nhiều về số lượng nhưng biên kịch giỏi thì rất “khiêm tốn”. Như đạo diễn Charlie Nguyễn đã nhận xét, biên kịch phim Việt yếu ở phần kể chuyện và với một kịch bản dở thì đạo diễn không thể “hô biến” thành một bộ phim hay được.
Hiện nay lực lượng biên kịch đang hoạt động theo nhiều phương thức, từ cá nhân tự đi “chào hàng” kịch bản đến làm việc theo nhóm của một công ty chuyên về viết kịch bản. Có khi đạo diễn, nhà sản xuất đặt hàng biên kịch hoặc mua lại các tác phẩm văn học chuyển thể. Ở phim truyền hình, có những đơn vị sản xuất “nuôi” một đội ngũ biên kịch rất ổn định và chia theo nhiều thể loại phim: hình sự, tâm lý, tình cảm gia đình…
Theo nhà biên kịch Nguyên Đán, giám đốc nội dung của Bluebells Studios (đơn vị biên kịch phim Trại hoa đỏ, Người vợ cuối cùng, Cái giá của hạnh phúc, Làm giàu với ma), kịch bản chính là khởi nguồn cho chất lượng của một dự án phim và từ lúc bắt đầu tìm kiếm ý tưởng, đến lúc sẵn sàng tiền kỳ, trung bình một kịch bản được hoàn thiện trong 6 – 8 tháng, tùy vào điều kiện sản xuất. “Nhà làm phim nên cung cấp môi trường làm việc, điều kiện đãi ngộ thoải mái nhất để biên kịch có thể tập trung và không cần lo nghĩ về những vấn đề khác ngoài phát triển kịch bản, sáng tạo nội dung”, biên kịch Nguyên Đán cho biết.
Ở phim truyền hình, nhà biên kịch Phạm Đình Hải (phim Biệt dược đen, Độc đạo) cho rằng khó khăn lớn nhất của biên kịch Việt hiện nay là hệ thống sản xuất cả ở tư nhân lẫn nhà nước chưa thực sự thuận lợi cho biên kịch. Ngoài ra, áp lực về mặt tiền bạc cũng là điều khiến rất nhiều biên kịch phải bỏ nghề. “Một biên kịch có danh tiếng thì thu nhập cũng tạm ổn, nhưng để đạt được mức “có danh tiếng” đó thì công việc của biên kịch cũng phải đủ để nuôi sống bản thân trước đã. Thời điểm hiện tại, tôi thấy nhiều bạn trẻ có thu nhập ổn định hơn, do nhu cầu kịch bản từ các chương trình trên mạng internet cao hơn. Nhưng chất lượng của các chương trình đó yêu cầu không cao, các biên kịch trẻ ở trong môi trường như vậy tuy đủ sống nhưng cũng không phát triển được”, Phạm Đình Hải nói.
GIÁ BAO NHIÊU CHO MỘT KỊCH BẢN ?
Được biết, một kịch bản phim điện ảnh hiện nay được trả từ 500 triệu đến 2 tỉ đồng tùy vào chất lượng. Nói như đạo diễn – nhà sản xuất Lương Đình Dũng thì: “Điều này phụ thuộc vào từng dự án và do thỏa thuận. Bởi những dự án nhỏ vài tỉ đồng mà chi cả tỉ đồng cho kịch bản cũng khó cho nhà sản xuất, và đương nhiên là không thể làm được”.
Nói về mức thù lao cho mỗi dự án phim, giám đốc nội dung Nguyên Đán cho rằng với mỗi dự án từ lúc lên ý tưởng cho đến khi bấm máy, Bluebells Studios sẵn sàng trả trung bình có thể lên đến 1 tỉ đồng cho một kịch bản. Theo nhà biên kịch này: “Khi kinh phí sản xuất của một dự án điện ảnh chất lượng ngày càng tăng cao, có những dự án lên đến 40 – 45 tỉ đồng, thì một kịch bản đảm bảo chất lượng được trả 2 tỉ đồng, tương đương 4 – 5% tổng kinh phí dự án, cũng là xứng đáng”.
Về phía truyền hình, theo tìm hiểu của chúng tôi, thù lao của biên kịch hiện có nhiều mức. Có những biên kịch chỉ nhận thù lao 3 – 4 triệu đồng cho 1 tập phim. Mức phổ biến mà một biên kịch nhận được thường là 6 – 7 triệu đồng cho 1 tập. Một số trường hợp cao hơn do cơ chế riêng, hoặc yêu cầu riêng. Thậm chí, có những đơn vị trả chi phí dành cho biên kịch của họ là 30 triệu đồng cho 1 tập truyền hình, nhưng yêu cầu của họ rất cao.
“Thật ra con số nào cũng xứng đáng, khi bạn đã chấp nhận viết. Nhưng khi thù lao quá thấp, chất lượng của kịch bản khó có thể cao được”, một biên kịch giấu tên cho biết.
Nhà biên kịch Phạm Đình Hải cho rằng thù lao của một biên kịch có thể được xác nhận do nhiều yếu tố khác nhau, quan trọng nhất vẫn là chất lượng kịch bản. Nhưng chất lượng đó dựa trên tiêu chí đánh giá nào, do ai quyết định thì lại là một câu hỏi mà ngay cả những người mang tiền đi mua kịch bản chưa chắc đã trả lời thỏa đáng được.
“Nhìn chung thù lao của các đơn vị nhà nước có tính tương đồng cao, còn của các đơn vị tư nhân thì lại cao thấp bất định. Khi chọn viết cho các đơn vị tư nhân, có thể thù lao của bạn sẽ rất thấp hoặc rất cao, tùy theo mục tiêu mà đơn vị tư nhân đó nhắm tới. Cá biệt có những đơn vị tư nhân lớn, sẵn sàng đầu tư để lấy thương hiệu và có sự hiểu biết sâu sắc về ngành, họ sẽ trả thù lao cao gấp nhiều lần đơn vị nhà nước”, biên kịch Phạm Đình Hải nói thêm.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tien-ti-van-kho-co-kich-ban-phim-hay-185241209234709914.htm