Tiến sĩ Chu Lệ Hàn sinh năm 1984 ở Quý Châu và lớn lên tại Chiết Giang (Trung Quốc). Được mệnh danh là thiên tài từ nhỏ nên anh có những trải nghiệm đặc biệt hơn bạn bè đồng trang lứa.
Năm 1998, ở tuổi 14, anh tham gia kỳ thi SM1 – chương trình dành cho học sinh xuất sắc tốt nghiệp THCS ở Trung Quốc đến Singapore học bằng chi phí công. Vượt qua kỳ thi, Lệ Hàn được nhận vào Trường Trung học Anglican (Singapore).
Năm 2003, sau khi tốt nghiệp THPT, Lệ Hàn thi đỗ vào khoa Sinh học của Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Tại đây, anh được GS Chu Hưng Phấn dẫn dắt – nhà khoa học trở về từ Trường Y Harvard. GS Phấn cũng chính là người truyền cảm hứng và định hướng cho Lệ Hàn trên con đường nghiên cứu khoa học sau này.
Môn đầu tiên anh học GS Phấn là Hoá sinh (Biochemistry) – học phần đặt nền móng cho những nghiên cứu sau này của Lệ Hàn trong lĩnh vực Y sinh. Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, ở tuổi 20, Lệ Hàn gia nhập phòng thí nghiệm trực thuộc Đại học Quốc gia Singapore của GS Phấn.
Theo quy định, sinh viên năm cuối mới được tham gia nghiên cứu tại phòng thí nghiệm này. Tuy nhiên, sau cuộc trò chuyện với GS Phấn, Lệ Hàn gia nhập phòng thí nghiệm khi còn là sinh viên năm hai. Từ đây, hành trình nghiên cứu ung thư của Lệ Hàn bắt đầu.
Sau 4 năm nghiên cứu, năm 2008, anh khám phá ra phương pháp phát hiện chính xác các microRNA – axit ribonucleic có trong tế bào thực vật và động vật. Điều này có ý nghĩa trong việc ứng dụng microRNA vào chẩn đoán và điều trị ung thư thông qua xét nghiệm máu.
Ngoài ra, cuộc gặp gỡ giữa Lệ Hàn và Trâu Thuỵ Dương thời điểm này, cũng mở ra bước tiến trong quá trình nghiên cứu. Trâu Thuỵ Dương là cử nhân kép về Hóa học và Sinh học tại Đại học Nam Kinh và Đại học Thiên Tân (Trung Quốc).
Sau đó, anh tiếp tục theo học chương trình SMA để lấy bằng thạc sĩ. Đây là chương trình học bổng liên kết của Singapore với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) dành cho sinh viên xuất sắc. Để thuận tiện trong quá trình nghiên cứu, về sau Thuỵ Dương cũng gia nhập phòng thí nghiệm của GS Phấn.
Với chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực Sinh hóa, Thuỵ Dương và Lệ Hàn xây dựng thiết kế mồi (primer design) cho microRNA. Dựa trên nền tảng này, cả hai phát triển thành công công nghệ mSMRT-qPCR để xét nghiệm microRNA. Công nghệ mSMRT-qPCR đã mở ra kỷ nguyên mới cho ứng dụng microRNA.
Sự kết hợp giữa Lệ Hàn và Thuỵ Dương đạt được những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu microRNA. Họ đã khám phá ra vai trò của microRNA trong việc phát hiện và điều trị ung thư, cùng các bệnh lý khác.
Nhận thức được tiềm năng của công nghệ này, Lệ Hàn, Thuỵ Dương và GS Phấn quyết định cùng nhau khởi nghiệp để đưa mSMRT-qPCR đến với thế giới, góp phần cải thiện sức khỏe con người.
Năm 2014, công ty công nghệ sinh học MiRXES (trụ sở ở Singapore) được thành lập. Trong đó, Lệ Hàn vừa là Giám đốc điều hành (CEO) kiêm Giám đốc chiến lược (CSO), Thuỵ Dương là Phó giám đốc điều hành kiêm Giám đốc công nghệ (CTO), còn GS Phấn là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Cố vấn chuyên môn hỗ trợ công ty trong quá trình phát triển.
Ngay sau khi thành lập, MiRXES tập trung vào việc quảng bá công nghệ xét nghiệm microRNA PCR trên toàn cầu. Công ty cũng mở rộng hoạt động sang lĩnh vực ứng dụng microRNA sàng lọc ung thư sớm – lĩnh vực tiềm năng trong việc cải thiện tỷ lệ chữa khỏi ung thư.
Sau thành công của mSMRT-qPCR, tháng 5/2019, MiRXES tiếp tục giới thiệu phương pháp sàng lọc ung thư dạ dày mới mang tính đột phá. Bằng cách các nhà khoa học sẽ lấy 12 chỉ dấu sinh học là các microRNA để chẩn đoán ung thư dạ dày từ giai đoạn đầu. Đây là xét nghiệm GastroClear, bệnh nhân không phải nội soi chỉ cần lấy máu.
Với vai trò là CEO của MiRXES, Tiến sĩ Lệ Hàn cho hay, GastroClear là một phần sứ mệnh của công ty: “Chúng tôi đang hướng đến một thế giới không có bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối vào năm 2048”.
Để làm được điều đó, công ty đang trong quá trình đẩy mạnh các nghiên cứu sinh thiết lỏng, mục tiêu là tạo ra một xét nghiệm máu, trong đó, bệnh nhân có thể được sàng lọc cùng lúc từ 6-8 bệnh khác nhau.
Để xét nghiệm GastroClear hiệu quả nhất, đội ngũ nghiên cứu của MiRXES mất đến 3 năm để tinh chỉnh. Nhóm nghiên cứu cho biết, tìm thấy 12 chỉ dấu sinh học microRNA khác biệt liên quan đến giai đoạn đầu của ung thư dạ dày.
MiRXES đang là công ty công nghệ sinh học hàng đầu trong lĩnh vực Y học. Các sản phẩm và dịch vụ của công ty được sử dụng tại nhiều bệnh viện và phòng thí nghiệm trên thế giới. Hiện, công ty còn phát triển thêm xét nghiệm sàng lọc dựa trên công nghệ microRNA, nhằm phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư vú và ung thư gan.
Theo Tiến sĩ Lệ Hàn, nhiều người sợ ung thư và sự lo lắng của họ sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, thời gian phát hiện bệnh và cơ hội điều trị. “Chúng tôi khuyến khích mọi người tích cực tìm hiểu về bệnh ung thư, biện pháp phòng ngừa, cách sàng lọc và điều trị sớm”.
CEO của MiRXES khẳng định, sẽ có những xét nghiệm mới được giới thiệu ra thị trường thời gian tới: “Tôi và các đồng nghiệp sẽ giúp mọi người xóa sổ ung thư giai đoạn cuối. Hy vọng điều này sẽ đạt được trong 30 năm tới”.
“Nếu chúng ta phát hiện các tế bào ung thư sớm, sẽ có thể ngăn chặn và điều trị. Trong thế kỷ này, ung thư sẽ trở thành căn bệnh mãn tính, có thể kiểm soát”, Tiến sĩ Lệ Hàn cho hay.
Với sản phẩm chủ lực là xét nghiệm GastroClear, theo The Straits Times, hiện MiRXES có giá trị thị trường khoảng 600 triệu USD (15.253 tỷ đồng). Theo Tiến sĩ Lệ Hàn, năm 2023, là giai đoạn biến động đối với MiRXES, vì bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản Trung Quốc và cuộc chiến ở dải Gaza.
Câu chuyện khởi nghiệp của Tiến sĩ Chu Lệ Hàn là minh chứng cho sự nỗ lực, quyết tâm và đam mê khoa học cháy bỏng. Từ cậu bé 14 tuổi xa quê hương, anh đã không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức để trở thành nhà khoa học giỏi, góp phần vào sự phát triển của nền y học thế giới.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/tien-si-tre-so-huu-cong-ty-nghien-cuu-sang-loc-ung-thu-tri-gia-15-250-ty-dong-2290093.html