Nhận định trên được TS Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Học thuật Olympia, CEO của tổ chức giáo dục IEG Global chia sẻ tại hội thảo giáo dục về chinh phục đại học hàng đầu của trường Olympia tổ chức mới đây.
TS Hiếu nêu ví dụ về việc nhiều học sinh xuất sắc với điểm số cao, thành tích tốt nhưng vẫn chưa chinh phục được các trường đại học hàng đầu. Trong khi đó, nhiều học sinh điểm chưa cao, cũng như thiếu thành tích học tập lại giành được những suất học bổng và hỗ trợ tài chính tốt.
Lý giải về điều này, TS Hiếu cho rằng, trong suốt những năm phổ thông, nhiều phụ huynh có xu hướng bó buộc học sinh vào việc học và thi. Điều này vô hình tạo nên áp lực và gây ra thiệt thòi lớn cho các con, bởi các con không chỉ cần có học thuật mà còn cần phát triển song song các kỹ năng mềm và trải nghiệm sống thông qua các dự án nghiên cứu, hoạt động ngoại khoá.
“Trải nghiệm sống đa dạng phong phú sẽ giúp học sinh mang lại nhiều giá trị trong phát triển bản thân, thay vì chỉ tập trung làm đẹp bảng thành tích học tập trong hồ sơ ứng tuyển đại học”, TS Hiếu nói và nhấn mạnh nhất là ở giai đoạn đầu cấp THCS đến đầu cấp THPT, nên để học sinh được thoả sức với nhiều sở thích khác nhau.
Đến giai đoạn cần hệ thống hoá, hãy cho các bạn tự lựa chọn xem trải nghiệm nào bản thân thấy thích thú nhất và sẵn sàng đồng hành cùng nó trong 4 năm đại học.
Cựu sinh viên đại học Oxford và Stanford cho rằng, nhiều học sinh cần cảm ơn quá trình nộp đơn vào đại học khi không có vòng phỏng vấn, mới có thể “lọt” vào trường đại học. “Có những thứ trên giấy tờ nhìn qua sẽ thấy rất đẹp, nhưng khi bước vào phỏng vấn thì chưa chắc đã đẹp và ngược lại”, vị này nói.
Trong tương lai, khi sinh viên ra trường và tìm kiếm việc làm, các nhà tuyển dụng sẽ không thực sự quan tâm trên hồ sơ của bạn có gì, bởi hồ sơ chỉ là yếu tố dẫn bạn đến vòng phỏng vấn. Việc bạn là ai, trải nghiệm sống của bạn thế nào, cách nghĩ của bạn về cuộc sống khi trả lời phỏng vấn mới là điều nhà tuyển dụng quan tâm.
Đại học không tìm kiếm sinh viên giỏi nhất
Khi tỷ lệ chọi vào các trường top ngày càng cao, rất nhiều bí kíp được đưa ra về việc làm thế nào để trở thành ứng viên nổi bật hay tạo nên bộ hồ sơ xuất sắc. Những ngôn từ hoàn hảo ấy có thể đã làm nản lòng không ít các bậc phụ huynh và học sinh vì chặng đường gian nan, tưởng chừng ngoài tầm với.
Thế nhưng, hàng năm vẫn có nhiều học sinh Việt Nam đỗ các trường đại học hàng đầu thế giới với những câu chuyện riêng về sự độc đáo của bản thân, dẫu không phải ai cũng có xuất phát điểm hoàn hảo. Em Nguyễn Hồng An, học sinh trường Olympia vừa trúng tuyển 13 trường đại học uy tín tại Mỹ, với học bổng cao nhất hơn 4,8 tỷ đồng là ví dụ điển hình.
Nuôi ước mơ du học Mỹ từ bé nhưng Hồng An từng bị chê “chuyện không tưởng” với học lực tiếng Anh không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, với ước mơ cháy bỏng, cộng với sự nỗ lực học hỏi và hỗ trợ từ thầy cô, những anh chị đi trước đã giúp nữ sinh tiến bộ từng ngày và chạm tay đến giấc mơ du học Mỹ với thành tích ngoài mong đợi.
“Tự nhìn nhận học thuật của mình chưa nổi trội khi so sánh với bạn đồng trang lứa, em trau dồi thế mạnh về hoạt động ngoại khoá, thông qua những trải nghiệm của bản thân để tạo ấn tượng với hội đồng tuyển sinh”, Hồng An nói.
Hồng An bày tỏ, không nhất thiết phải là học sinh xuất sắc theo định nghĩa thông thường của trường lớp thì mới có thể chinh phục được các trường đại học hàng đầu. Điều cô nàng rút ra được là các trường đại học ở Mỹ không tìm học sinh giỏi nhất mà tìm mảnh ghép có màu sắc phù hợp nhất.
Việc xây dựng hồ sơ có bản sắc cá nhân là điều cực kỳ quan trọng khi ứng tuyển vào các trường đại học top đầu.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Chí Hiếu đánh giá thành tích học tập tốt là xuất phát điểm quan trọng cho lộ trình chinh phục các trường đại học hàng đầu, song đây không phải là yếu tố quan trọng duy nhất. Giữa hàng ngàn hồ sơ, các trường đại học đắt giá trên thế giới luôn tìm kiếm những ứng viên xuất sắc không chỉ ở lĩnh vực học thuật mà còn ở thể hiện được những giá trị mang đậm dấu ấn cá nhân và có khả năng đóng góp cho cộng đồng.
“Xuất sắc không phải ở điểm số, xuất sắc nằm ở bản lĩnh con người, thứ giúp học sinh có thể tự lập đi trên con đường của chính mình khi không có cha mẹ và người thân ở bên”, vị tiến sĩ nói.
Nguồn: https://vtcnews.vn/tien-si-stanford-chia-se-bi-kip-trung-tuyen-truong-top-dau-du-luc-hoc-khong-gioi-ar873310.html