Tiến sĩ Phạm Huy Hiệu hiện là giảng viên Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính; chuyên gia nghiên cứu kiêm Phó giám đốc Trung tâm sức khỏe thông minh VinUni-Illinois, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp (E-lab), Trường ĐH VinUni. Năm ngoái, anh là người trẻ nhất được vinh danh trong Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng (do T.Ư Đoàn và Bộ KH-CN trao tặng).
Nói về cơ duyên gắn bó với công việc nghiên cứu chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, anh Hiệu cho biết sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2015, anh tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về khoa học máy tính tại Viện đại học Toulouse (Pháp).
Theo anh, đặc tính của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu không đứng riêng lẻ mà chỉ phát huy tối đa sức mạnh khi được ứng dụng để tạo ra và thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác. Trong đó, y tế là lĩnh vực vô cùng quan trọng và đang phát triển rất nhanh.
Sau khi hoàn thành xong chương trình tiến sĩ tại Pháp, năm 2019 anh trở về Việt Nam làm việc tại Viện nghiên cứu dữ liệu lớn tại Tập đoàn Vingroup với vai trò chuyên gia nghiên cứu.
“Khi đó lãnh đạo viện có định hướng phát triển công nghệ phân tích hình ảnh y tế, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán nhanh và chính xác hơn. Tôi thấy bản thân có thể tham gia, ứng dụng những gì đã học được vào đây”, tiến sĩ Hiệu chia sẻ.
Là nhà nghiên cứu, khoa học và làm đào tạo, tiến sĩ Phạm Huy Hiệu luôn cố gắng tạo ra giải pháp tốt, ứng dụng vào cộng đồng để tạo tác động đến xã hội. Anh nói chưa bao giờ đặt ra câu hỏi mình hài lòng và tâm đắc nhất với điều gì, vì công việc có ý nghĩa thực sự khi tạo được lợi ích cho người dân.
Trong quá trình làm việc, nghiên cứu, anh có nhiều phát minh, sáng chế có giá trị khoa học và thực tiễn cao. Trong đó, anh dành nhiều tâm sức và kỳ vọng vào giải pháp “VAIPE: Hệ thống theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông minh cho người Việt”.
Theo anh, thách thức y tế lớn nhất ở Việt Nam hiện nay là sức khỏe cộng đồng. Phần lớn mọi người đến bệnh viện khi bệnh lý rất nặng, cơ hội điều trị và có thể điều trị tốt rất thấp.
Ý tưởng của giải pháp VAIPE xuất phát từ mong muốn mỗi người dân chủ động chăm sóc sức khỏe của bản thân thông qua một ứng dụng công nghệ, chẳng hạn trên điện thoại thông minh. Từ đó thu thập, lưu trữ và hiển thị các thông tin như nhịp tim, huyết áp, hành vi uống thuốc và chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của mình. Ứng dụng có thể đưa ra những dự đoán, nguy cơ về sức khỏe để người dân thăm khám sớm, nâng cao được khả năng điều trị.
“Giải pháp này được thực hiện với giá rẻ, mọi người không phải phụ thuộc vào thu nhập hay khu vực địa lý, tầng lớp xã hội”, anh Hiệu nói.
Dù đạt được rất nhiều thành tựu đáng ngưỡng mộ, nhưng theo anh Phạm Huy Hiệu, công việc nào cũng có khó khăn và thử thách, thậm chí khó khăn có hằng ngày. Khi ứng dụng công nghệ mới để giải quyết các bài toán y tế, anh và cộng sự thường đối mặt với 3 thách thức lớn.
Đầu tiên là định nghĩa đúng “bài toán” trước khi bắt tay vào nghiên cứu, “bài toán” có đáng giải hay không và nếu được sẽ tạo ra tác động thế nào đến xã hội.
Thứ hai, trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu, vấn đề cốt lõi cần có là dữ liệu sạch, được chuẩn hóa và có tri thức của con người trong đó. Tiến sĩ Hiệu cho rằng việc thu nhập dữ liệu quy mô lớn, có tri thức của con người đòi hỏi nhiều công sức, nguồn lực và tài chính.
Thách thức cuối cùng và khó nhất theo anh không phải là công nghệ, mà là việc đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường, ứng dụng thực tế và tạo ra tác động. “Bởi không phải giải pháp tốt nào cũng được thị trường chấp nhận”, anh Phạm Huy Hiệu cho biết.
Dành lời nhắn nhủ cho những bạn trẻ có đam mê với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, y tế thông minh, anh Hiệu khuyên các bạn hãy chủ động quan sát nhiều hơn những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Tự đặt câu hỏi chúng ta có thể làm được, cải thiện điều gì dù nhỏ hay lớn. “Khi có tinh thần dấn thân, cống hiến và làm điều có ích, chúng ta sẽ được ghi nhận”, anh Hiệu chia sẻ.
Tiến sĩ Phạm Huy Hiệu từng được vinh danh Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng (do T.Ư Đoàn và Bộ KH-CN trao tặng).
Anh cũng đã công bố 50 bài báo khoa học trên các tạp chí và hội thảo quốc tế uy tín, trong đó có 20 bài báo khoa học trên các tạp chí Q1 và 06 bài báo hội thảo Rank A/A* hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, thị giác máy tính và y tế thông minh.
Ngoài ra, anh có nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ giải quyết thách thức y tế Việt Nam như “Phần mềm chẩn đoán hình ảnh y tế VinDr dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo”, giúp hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong sàng lọc ung thư và phát hiện các bệnh nan y. Giải pháp này hiện đã được triển khai ở hơn 40 bệnh viện trên khắp cả nước và xử lý hơn 300.000 lượt bệnh nhân mỗi tháng và được các bác sĩ đánh giá giúp giảm thiểu sai sót và hỗ trợ sàng lọc.