Đội ngũ văn nghệ sĩ đã và đang dần ổn định, phát triển. Cách nhìn của văn nghệ sĩ được nâng lên, bắt kịp với thời đại mới. Hàng loạt vấn đề như mối quan hệ giữa dân tộc và hiện đại, văn nghệ và hiện thực đã được nhìn nhận sâu sắc thêm… Hội VHNT tỉnh hiện có 281 hội viên, sinh hoạt ở 8 lĩnh vực chuyên ngành và 1 cơ quan báo chí thuộc hội; trong đó có 60 hội viên nữ, 24 hội viên thuộc các hội chuyên ngành Trung ương… Cấp huyện, Hội VHNT Bù Đăng có 90 hội viên.
Đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng trưởng thành, bản lĩnh
Trong những năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng trưởng thành, lớn mạnh và bản lĩnh hơn. Các hội viên giữ vững lập trường tư tưởng chính trị trong sáng tác, sáng tạo tác phẩm VHNT, bám sát dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước, nhân văn gắn với dân tộc và vùng đất, con người Bình Phước, tích cực đấu tranh vì cái thiện và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Một tiết mục văn nghệ của hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh biểu diễn tại buổi gặp mặt văn nghệ sĩ dịp đầu xuân Quý Mão năm 2023 – Ảnh: N.B
Mặc dù còn nhiều khó khăn về con người, kinh phí, cơ sở vật chất nhưng đội ngũ làm công tác VHNT không ngừng phấn đấu lao động sáng tạo ra nhiều tác phẩm, ấn phẩm phong phú, đa dạng, tăng đáng kể về số lượng. Qua đó, từng bước khẳng định chất lượng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà. Hoạt động VHNT đúng định hướng, hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ đề ra hằng năm. Hội VHNT tỉnh từng bước khẳng định vai trò, vị trí của một tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, xây dựng, phát triển các hoạt động sáng tác sôi nổi, tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn thiết thực góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, giữ vững mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng…
Lĩnh vực văn học, xuất bản hơn 4.000 tác phẩm thơ, 31 đầu sách văn xuôi; nhiều tác giả có tác phẩm đăng trên nhiều tờ báo, diễn đàn VHNT trong nước. Lĩnh vực âm nhạc, trong 17 năm qua, các nhạc sĩ đã sáng tác hơn 3.000 tác phẩm, xuất bản 2.000 đĩa CD và DVD. Về mỹ thuật, các họa sĩ đều có trình độ đại học và trên đại học, hằng năm thường xuyên tham gia Liên hoan Mỹ thuật Đông Nam Bộ với chất lượng tốt. Tạp chí Văn nghệ Bình Phước trực thuộc Hội VHNT tỉnh là đất diễn, nơi ươm mầm tài năng VHNT của các hội viên; hiện tạp chí xuất bản từ 700 đến 1.000 cuốn mỗi số phát hành… |
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động VHNT vẫn chưa thể hiện tốt vai trò dẫn dắt định hướng công chúng, chưa thực sự chủ động, linh hoạt trước những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, chưa tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tập hợp các tài năng trẻ, xây dựng đội ngũ sáng tác trong đồng bào dân tộc chưa được chú trọng đúng mức… Một số lĩnh vực chuyên môn như sân khấu, điện ảnh, múa, lý luận phê bình VHNT chậm được chú trọng xây dựng phát triển. Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố chưa thành lập được hội VHNT…
Một tiết mục biểu diễn đàn tính, hát then tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ở huyện Bù Đăng – Ảnh: M.A
Nguyên nhân là do việc phát hiện, bồi dưỡng, tìm kiếm, tập hợp những tài năng VHNT chưa thường xuyên. Nhiều văn nghệ sĩ chưa được tổ chức học tập nâng cao nhận thức, tư duy, trình độ chính trị. Tác phẩm VHNT của hội viên vẫn chưa có đầu ra, vì vậy hội viên làm việc ở nhiều công việc, nghề nghiệp khác nhau. Việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị còn nhiều khó khăn, tổ chức các đợt thực tế sáng tác còn hạn chế. Chỉ có đam mê, tâm huyết, trách nhiệm mới khiến họ dấn thân với sáng tác, sáng tạo VHNT.
Đưa văn học, nghệ thuật phát triển
Để VHNT phát triển cả về chất và lượng, thời gian tới cần chú trọng xây dựng Đảng đoàn, thường trực, ban chấp hành, các chi hội chuyên ngành và đội ngũ văn nghệ sĩ có chất lượng, đoàn kết thống nhất, thực sự là những văn nghệ sĩ tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiệp phát triển VHNT tỉnh nhà. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần có nghị quyết về văn hóa trong thời kỳ mới, trong đó phải có phần làm rõ những định hướng chủ yếu trong phát triển VHNT tỉnh. Đồng thời có cơ chế để những văn nghệ sĩ trẻ tài năng, tâm huyết được học trung cấp lý luận chính trị.
Hoạt động giao lưu các tác phẩm nghệ thuật của Chi hội Mỹ thuật (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước) trước khi tham gia triển lãm mỹ thuật khu vực VII (Đông Nam Bộ) lần thứ 28 – Ảnh: Từ Huy
Tăng cường đầu tư, tạo nguồn lực để hội viên có nhiều đợt đi thực tế sáng tác, nâng cao chất lượng chuyên môn. Nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng trong định hướng sáng tác, động viên, cổ vũ, tạo điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ hội viên sáng tạo ra nhiều tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Đổi mới hoạt động ở các chi hội chuyên ngành, làm tốt việc phát triển hội viên, nhất là lực lượng trẻ, có khả năng, nhiệt huyết đảm bảo tính liên tục, kế thừa.
Bên cạnh đó, cần thành lập hội VHNT ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Có chính sách sử dụng, đãi ngộ văn nghệ sĩ hợp lý, phù hợp trình độ chuyên môn, sự cống hiến. Xây dựng và tạo điều kiện cho hoạt động của Hội VHNT tỉnh, huyện nhằm động viên, tập hợp văn nghệ sĩ hoạt động tích cực, hiệu quả. Chú trọng nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên, gợi mở, định hướng sáng tác theo chủ đề, các giá trị văn hóa lịch sử, góp phần xây dựng hệ giá trị VHNT Bình Phước và chuẩn mực con người Bình Phước gắn với xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.