Doanh nghiệp ghi nhận tiền nhàn rỗi tỷ USD

Theo báo cáo tài chính năm 2024, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK), không tính ngành ngân hàng, đang nắm giữ một lượng tiền mặt và tiền gửi khổng lồ.

Một bất ngờ xuất hiện, thị trường ghi nhận ông “vua tiền mặt” mới. Sau nhiều năm đứng top đầu, Tổng công ty Khí Việt Nam - PV GAS (GAS) "rớt hạng", thay vào đó là Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Năm 2024, Vingroup ghi nhận lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn tăng vọt từ mức gần 34 nghìn tỷ đồng cuối năm 2023 lên gần 49 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,9 tỷ USD). Đây được xem là một cú bứt phá hiếm có, qua đó đẩy đại gia ngành khí PV GAS xuống sâu sau nhiều năm thống trị vị trí này.

Ông lớn bất động sản thuộc hệ sinh thái của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khác là Vinhomes (VHM) cũng ghi nhận lượng tiền mặt gia tăng chóng mặt, gấp đôi lên hơn 32 nghìn tỷ đồng.

Ở vị trí số 2 vẫn là cái tên quen thuộc Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đại gia này ghi nhận mức tăng khá mạnh, thêm 13%, lên hơn 43 nghìn tỷ đồng.

Một số ông lớn khác ghi nhận lượng tiền mặt rủng rỉnh và thường xuyên nằm trong top 10 gồm: Tập đoàn FPT (31 nghìn tỷ đồng), Tập đoàn Hòa Phát HPG (gần 26 nghìn tỷ đồng), Thế giới Di Động MWG (24,6 nghìn tỷ đồng), Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam ACV (26,5 nghìn tỷ đồng), VEAM, Hóa chất Đức Giang, Vinamilk, Sabeco (SAB), Masan (MSN), PNJ, BVH...

Trong đó, nhiều doanh nghiệp ghi nhận tiền nhàn rỗi tăng mạnh. FPT ghi nhận mức tăng gần 28% so với cuối 2023. MWG tăng 16%...

Ở chiều ngược lại, ngoài PV GAS, HPG ghi nhận mức giảm gần 25% do rót tiền mở rộng sản xuất với đại dự án Dung Quất 2. Xu hướng giảm dần còn có ACV…

Sự tích lũy một lượng lớn tiền nhàn rỗi có thể phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh tốt, dòng tiền mạnh mẽ trong năm, nhưng cũng có thể phản ánh hai chiến lược. Một là các doanh nghiệp đang cẩn trọng trước biến động kinh tế. Hoặc, doanh nghiệp đang chuẩn bị nguồn lực để đón đầu các cơ hội đầu tư lớn trong tương lai.

Vingroup, MWG, FPT ghi nhận dòng tiền tốt hơn trong năm vừa qua, trong khi HPG, ACV đang dồn lực cho các đại dự án (Dung Quất và sân bay Long Thành)… ACV ghi nhận tiền nhàn rỗi giảm từ 28,8 nghìn tỷ đồng cuối năm 2023 xuống 26,5 nghìn tỷ cuối 2024.

Rủng rỉnh tiền, lợi hay hại?

Việc đánh giá lượng tiền nhãn rỗi nhiều hay ít là tương đối bởi còn phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp đó. Lượng tiền dồi dào giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc đầu tư, trả nợ và đối phó với rủi ro thị trường, như trường hợp Tập đoàn Hòa Phát đã vượt qua khó khăn trong những năm 2022-2023, hay như Vinhomes có thể triển khai các dự án bất động sản ngay khi thị trường địa ốc khó khăn… HPG và ACV rủng rỉnh tiền giúp đảm bảo các dự án lớn đang triển khai.

Sẵn tiền mặt cũng giúp doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt các cơ hội kinh doanh và giúp tăng uy tín tài chính trong mắt nhà đầu tư, đối tác và các tổ chức tín dụng…

Tuy nhiên, việc nắm giữ quá nhiều tiền và chưa có kế hoạch sử dụng hợp lý có thể khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội sinh lời cao hơn. Hiệu quả sử dụng vốn cũng sẽ không cao. Tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng thường thấp hơn so với đi vay.

Như trường hợp VIC, trong 48 nghìn tỷ, tập đoàn này gửi 42 nghìn tỷ tại các ngân hàng với nhiều kỳ hạn khác nhau, lãi suất từ 1,9% đến 7,1%. Cả năm thu về nhiều nghìn tỷ đồng tiền lãi.

Doanhnhanbaocaotaichinh Canva.jpg
Hàng loạt doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam ghi nhận lượng tiền mặt tăng mạnh lên mức rất cao, cả tỷ USD. Ảnh: CV

Trên thực tế, hầu hết tập đoàn lớn như Vingroup, HPG,  MWG… đều có những khoản vay rất lớn. Có những trường hợp tiền gửi ngân hàng gặp trục trặc, như một số khoản gửi tại các ngân hàng thuộc diện tái cấu trúc.

Bên cạnh đó, cũng có thể có một số trường hợp làm đẹp số dư tiền mặt bằng cách tăng vay ngắn hạn trước kỳ báo cáo, chuyển các khoản đầu tư ngắn hạn, ghi nhận doanh thu trước khi thực tế thu tiền, bán tài sản và thuê lại…

Lượng tiền mặt lớn có thể cũng không hoàn toàn phản ánh rõ sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Nó còn phụ thuộc vào quy mô tài sản của doanh nghiệp, tổng vay nợ… Tỷ lệ tiền mặt/tổng tài sản của một số doanh nghiệp đứng ở mức cao như: GAS, BSR, SAB, FPT, PNJ, MWG, REE. Tỷ lệ này thấp ở một số doanh nghiệp như: VIC, VHM, NVL, MSN, VRE…

Nhiều doanh nghiệp có tiền mặt giảm nhưng triển vọng tốt và ngược lại. Một số doanh nghiệp có nguồn tiền mặt lớn để đẩy nhanh tiến độ đầu tư như: HPG, VHM, BSR…

Tiền mặt ở nhiều thời điểm được xem là “vua”, nhưng việc sử dụng hiệu quả nhất mới quan trọng. Không hẳn tích con số tiền nhàn rỗi lớn lúc nào cũng là tích cực. Nhiều lúc, kinh tế gặp khó khăn cũng khiến doanh nghiệp trì hoãn hoạt động mở rộng đầu tư, kinh doanh. Dù vậy, dòng tiền tốt là điều mà nhiều doanh nghiệp mong đợi.

Đại gia Việt nắm giữ tỷ USD tiền mặt, sẵn sàng đổ vào các dự án khủngNhiều doanh nghiệp của đại gia Việt nắm giữ một lượng tiền mặt rất lớn, lên tới cả tỷ USD. Dòng tiền lớn sẵn sàng rót vào thực hiện những dự án tham vọng.