Báo cáo Tiền lương toàn cầu 2024-2025 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy hai quý đầu năm 2024, tiền lương thực tế toàn cầu tăng 2,7%, mức tăng lớn nhất trong hơn 15 năm qua.
Tiền lương toàn cầu tăng
Theo báo cáo Tiền lương toàn cầu, hơn một nửa số người lao động trên thế giới là người làm công ăn lương. Sau khi ghi nhận mức tăng trưởng âm năm 2022, tăng trưởng tiền lương thực tế toàn cầu năm 2023 và hai quý đầu năm 2024 trở lại mức dương.
Dữ liệu sơ bộ trong hai quý đầu năm 2024 cho thấy tăng trưởng tiền lương thực tế toàn cầu đạt mức 2,7%, mức tăng lớn nhất trong hơn 15 năm qua.
Nếu không tính Trung Quốc với mức tăng trưởng tiền lương cao (khoảng 4,6% năm 2023), tăng trưởng tiền lương thực tế toàn cầu năm 2024 ước tính là 2,3%.
Tuy nhiên, một số nước và một số vùng như châu Phi hay một số nước thuộc Liên đoàn Ả Rập, tốc độ tăng lương thực tế vẫn gần bằng 0, thậm chí còn ghi nhận giá trị âm những năm gần đây.
Tính trong giai đoạn 2006 – 2024, so sánh giữa các khu vực có thể thấy Đông Âu có sự tăng trưởng tiền lương vượt bậc nhất ở giai đoạn đầu so với các khu vực còn lại với 11,2% (2006) và 13,3% (2007).
Dù có sự giảm tốc, rồi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến tăng trưởng tiền lương giảm xuống, đến nay tăng trưởng tiền lương thực tế ở Đông Âu đã ở đà tăng trở lại với mức tăng 5,4% (năm 2023) và dự kiến tăng 9,3% (năm 2024).
Riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mức tăng trưởng tiền lương của Trung Quốc ảnh hưởng mạnh đến con số tăng trưởng tiền lương chung của khu vực. Ba năm trước đại dịch COVID-19, tăng trưởng tiền lương thực tế trong khu vực trung bình từ 2,6 – 3,4%/năm.
Tuy nhiên khi loại trừ Trung Quốc, con số này thấp hơn đáng kể với mức thực tế dao động từ 0,6 – 1,7%.
Vào năm 2020, sự chênh lệch giữa Trung Quốc và phần còn lại của khu vực càng trở nên rõ ràng hơn. Thực tế tăng trưởng tiền lương trong khu vực ước tính ở mức 1,3% (gồm cả Trung Quốc) nhưng giảm xuống âm 1,1% khi loại trừ Trung Quốc.
Giá lương thực, nhà ở tăng nhanh
Báo cáo của ILO cũng phản ánh 55% trong số 160 quốc gia có dữ liệu đã tăng lương tối thiểu.
Tuy nhiên bất chấp sự gia tăng mức trung bình toàn cầu, 45% trong 160 quốc gia này chứng kiến mức lương tối thiểu vẫn ở mức thấp hơn tỉ lệ lạm phát, tức mức lương tối thiểu thấp hơn sức mua cho một số lượng lớn người lao động được trả lương thấp trên toàn thế giới.
Đặc biệt ở hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp, các hộ gia đình thu nhập thấp thực sự đang phải đối mặt với mức lạm phát khó khăn hơn, khi giá hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, nhà ở và năng lượng tăng đáng kể.
Tình trạng này bắt đầu từ năm 2021 và càng rõ rệt hơn từ đầu năm 2022, giá lương thực ở hầu hết các nước đều tăng nhanh hơn CPI chung.
Chỉ số giá nhà ở đã biến động rất lớn, đặc biệt là giữa các nước châu Âu và một số trường hợp còn tăng nhanh hơn chỉ số CPI chung.
Trong hầu hết các nước, chỉ số giá nhà đất tăng cho đến cuối năm 2022 và sau đó dần giảm đi. Đáng chú ý các ước tính cho thấy rằng ở khoảng 2/3 số quốc gia có dữ liệu, bất bình đẳng về tiền lương đã giảm đáng kể từ đầu thế kỷ 21.
Báo cáo cho thấy trên toàn cầu, 10% người lao động được trả lương thấp nhất chỉ nhận được khoảng 0,5% tổng hóa đơn tiền lương.
Trong khi 10% người lao động được trả lương cao nhất đạt được gần 38% tổng hóa đơn tiền lương.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tien-luong-toan-cau-tang-cao-nhat-trong-hon-15-nam-qua-2024112917241107.htm