Những ngày qua, bệnh đốm trắng trên tôm đã xuất hiện ở diện tích nuôi trồng thủy sản tại một số xã trên địa bàn huyện Tiền Hải. Để chủ động phòng, chống, huyện chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp để bệnh không lây lan ra diện rộng.
Hộ nuôi trồng thủy sản huyện Tiền Hải tập trung xử lý môi trường ao nuôi sau khi diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng.
Vụ nuôi trồng thủy sản xuân hè, HTX SXKD thủy sản Hải Châu, xã Đông Minh xuống giống 130ha, tập trung chủ yếu giống tôm thẻ, cá vược, cua… Những ngày qua, thời tiết diễn biến bất thường, nắng mưa xen kẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các giống thủy sản, trong đó xuất hiện bệnh đốm trắng trên tôm. Để phòng, chống dịch bệnh, HTX đã tuyên truyền đến các hộ nuôi trồng chủ động chăm sóc, bảo vệ diện tích thủy sản theo kế hoạch đề ra.
Ông Trương Xuân Hội, Giám đốc HTX SXKD thủy sản Hải Châu cho biết: Đến ngày 14/5, diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng ở Đông Minh là 14.760m2 của 13 hộ dân. Những ngày qua, HTX tăng cường xuống các vùng nuôi tôm bị nhiễm bệnh hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường ao nuôi. Tập trung nâng cao sức đề kháng của tôm tại các vùng chưa bị bệnh đốm trắng.
Không riêng diện tích nuôi tôm của xã Đông Minh mà các xã như Nam Thắng, Nam Cường, Nam Thịnh cũng bị thiệt hại khi tôm bị bệnh đốm trắng. Tại diện tích 2.160m2 nuôi tôm bị bệnh đốm trắng, ông Nguyễn Thành Luân, thôn Chí Cường, xã Nam Cường đã kịp thời xử lý số tôm bị bệnh, đồng thời xử lý môi trường ao nuôi bằng hóa chất Chlorine nhằm tránh lây lan sang diện tích ao nuôi của các hộ xung quanh.
Ông Luân chia sẻ: Bệnh đốm trắng trên tôm năm nào cũng gây thiệt hại cho người nuôi tôm. Tôm bị bệnh đốm trắng do môi trường nước ao nuôi chưa bảo đảm, cùng với thời tiết thay đổi lúc mưa, lúc nắng nên bệnh phát sinh. Để hạn chế bệnh đốm trắng trên tôm, nông dân chúng tôi chủ yếu xử lý môi trường ao nuôi nhằm không để bệnh tiếp tục lây lan ra diện rộng, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo đúng quy định của ngành chuyên môn.
Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Vụ nuôi trồng thủy sản xuân hè, toàn huyện xuống giống đạt 233 triệu con tôm. Đến ngày 14/5, bệnh đốm trắng đã xuất hiện tại diện tích nuôi tôm ở các xã: Nam Thắng, Nam Thịnh, Nam Cường, Đông Minh với diện tích 97.793m2 của 43 hộ dân. Sau khi nhận được thông tin, Phòng đã phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức lấy mẫu tôm bệnh xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm xác định nguyên nhân tôm chết do nhiễm bệnh đốm trắng. Để khống chế bệnh đốm trắng trên tôm không lây lan ra diện rộng, huyện đã tuyên truyền đến các hộ nuôi trồng thủy sản tiến hành khử trùng, xử lý triệt để mầm bệnh trong ao bằng hóa chất Chlorine, khống chế dịch bệnh phát sinh. Giám sát chặt chẽ việc thu gom tôm chết xử lý đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Trên các trục đường vào vùng nuôi tôm, khuyến cáo người dân rắc vôi bột, đồng thời sử dụng lưới mắt dày, bạt, vây xung quanh ao, không cho các loại côn trùng từ ngoài vào ao, mang mầm bệnh cho tôm. Tuyệt đối không lấy thêm nước từ ngoài hệ thống cấp nước chung vào ao nuôi khi chưa xác định được nguồn nước an toàn. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát ổn định pH và độ kiềm, giảm khí độc. Thường xuyên duy trì và ổn định môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng cho tôm theo hướng dẫn của cán bộ ngành chuyên môn.
Đối với những diện tích đang nuôi tôm chưa bị bệnh đốm trắng, huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và công tác phòng ngừa dịch bệnh, tiêu độc môi trường ở khu vực nuôi tôm tại các hộ dân. Chỉ đạo, phân công cán bộ bám sát vùng nuôi trồng thủy sản để hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra, giám sát tình hình nuôi trồng, dịch bệnh.
Vùng nuôi trồng thủy sản xã Đông Minh, huyện Tiền Hải.
Mạnh Thắng