ANTD.VN – Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã rút ra khỏi hệ thống ngân hàng tới hơn 74.000 tỷ đồng trong tháng 7, trong khi tăng trưởng tiền gửi khối dân cư cũng hạ nhiệt.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thống kê mới nhất về tổng lượng tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 6/2023.
Theo đó, tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 7 chỉ đạt hơn 12,299 triệu tỷ đồng, giảm hơn 67.500 tỷ đồng so với cuối tháng 6 (gần 12,367 triệu tỷ đồng).
Sự suy giảm tiền gửi của các tổ chức kinh tế là nguyên nhân chính khiến tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng giảm sút sau thời gian dài tăng liên tục. Sau tháng 6 bất ngờ tăng vọt thì tiền gửi của nhóm khách hàng này đã sụt giảm trở lại trong tháng 7 (trước đó, tiền gửi tổ chức kinh tế đã giảm liên tiếp trong 5 tháng đầu năm).
Doanh nghiệp đẩy mạnh rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng |
Theo đó, tính riêng trong tháng 7, các tổ chức kinh tế đã rút ra khỏi hệ thống ngân hàng khoảng 74.200 tỷ đồng, khiến lượng tiền gửi của nhóm này tại ngân hàng giảm chỉ còn hơn 5,9 triệu tỷ đồng. Con số này cũng thấp hơn 0,74% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Trong khi ở chiều ngược lại, tiền gửi của dân cư tiếp tục gia tăng. Cụ thể, tính đến hết tháng 7, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt gần 6,4 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 6.700 tỷ đồng so với tháng trước và tăng 8,93% so với cuối năm 2022.
Dù tiền gửi dân cư tiếp tục tăng tháng thứ 9 liên tiếp, nhưng con số chỉ bằng khoảng 20% so với tăng trưởng trong tháng 6 và thấp hơn so với các tháng đầu năm. Con số này cũng không đủ bù đắp sự sụt giảm từ phía tổ chức kinh tế, đã khiến tổng tiền gửi bị suy giảm.
Trước đó, trong tháng 6, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm 35.341 tỷ đồng. Trong tháng 5, tiền gửi dân cư cũng tăng thêm 14.700 tỷ đồng so với tháng liền trước.
Đặc biệt, những tháng đầu năm, tăng trưởng tiền gửi dân cư ở mức rất cao, lên tới 177.300 tỷ đồng trong tháng 1; 137.000 tỷ đồng trong tháng 2; 100.800 tỷ đồng trong tháng 3 và tăng hơn 52.000 tỷ đồng trong tháng 4.
Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng có dấu hiệu chững lại trong bối cảnh lãi suất xuống rất thấp. Trong khi đó, giai đoạn tháng 7, tháng 8, thị trường chứng khoán lại diễn biến khá tích cực. Điều này có thể dẫn đến xu hướng dòng tiền dịch chuyển một phần sang thị trường này. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm.
Hiện tại, mức lãi suất cao nhất tại các ngân hàng chỉ còn chưa đầy 7%/năm. Tại Vietcombank, lãi suất huy động tối đa mới đây đã giảm về chỉ còn 5,3%/năm – con số thấp kỷ lục trên thị trường từ trước tới nay, thấp hơn cả giai đoạn đại dịch.