Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng tinh thần cộng đồng trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022 – 2023, đạt nhiều kết quả phấn khởi. Với những kết quả đạt được, toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà hiện đang chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học 2023 – 2024. Để hiểu rõ hơn về những kết quả đạt được cũng như một số phương hướng, nhiệm vụ trong năm học mới, Phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang.
* PV: Xin Tiến sĩ điểm qua một số kết quả nổi bật của ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang trong năm học 2022 – 2023.
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Năm học 2022 – 2023 là năm học ngành GD- ĐT tiếp tục thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kỳ 2021 – 2026, như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI. Với chủ đề năm học: “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD-ĐT”, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng GD-ĐT.
Năm học 2022 – 2023, toàn ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục thực hiện lộ trình Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 đối với các khối lớp 3, 7 và 10. Bên cạnh đó, công tác chọn sách giáo khoa cho học sinh khối lớp 4, 8 và 11 được ngành GD-ĐT tỉnh triển khai khẩn trương, nghiêm túc, khách quan. Toàn ngành tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Với bậc học mầm non đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp tiếp tục được giữ vững; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng cao; phong trào thi đua “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” tiếp tục tạo nhiều lan tỏa tích cực… Ở bậc tiểu học, cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được cải thiện, xây dựng khang trang đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 đối với các khối lớp. Bậc trung học tiếp tục có nhiều đổi mới căn bản trong dạy và học. Việc đổi mới phương pháp dạy học đã được nhà trường, giáo viên quan tâm chú ý, đặc biệt đối với việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Công tác phân luồng học sinh được triển khai thực hiện tốt.
10 nhiệm vụ trọng tâm cho năm học 2023 – 2024: 1. Hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý.
2. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
3. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
4. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
5. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
6. Ngành Giáo dục cần chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.
7. Tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động mở rộng hợp tác song phương, đa phương.
8. Ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.
9. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD-ĐT nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.
10. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
|
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các bậc học trong toàn ngành GD-ĐT đã từng bước được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo.
Toàn ngành GD-ĐT hiện có 19.172 cán bộ, nhà giáo công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục, trong đó có 1.180 cán bộ quản lý, 15.351 giáo viên và 2.641 nhân viên.
Công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia, kiểm định chất lượng ở các cơ sở giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, số trường đạt chuẩn Quốc gia các bậc học là 351/510 trường, đạt tỷ lệ 68,82%.
Về công tác thi cử, trong tháng 6-2023, ngành GD-ĐT tỉnh đã tổ chức Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 an toàn, không để xảy ra các sai sót, đảm bảo khách quan và đúng quy chế.
Theo đánh giá, điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm nay tại Tiền Giang khá cao. Môn Ngữ văn có 16.913 thí sinh đạt điểm trên trung bình, tỷ lệ 82,96%. Môn Tiếng Anh có 12.647 thí sinh đạt điểm trên trung bình, tỷ lệ 62,03%. Môn Toán có 15.734 thí sinh đạt điểm trên trung bình, tỷ lệ 77,1%.
Cũng trong tháng 6, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong kỳ thi năm nay, điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh Tiền Giang đạt 6,72 điểm, xếp thứ 13 toàn quốc (tăng 3 bậc so với năm 2022) và đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Điểm trung bình 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh của học sinh Tiền Giang trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt 19,72 điểm, nằm trong tốp 10 cả nước, xếp thứ nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh Tiền Giang đạt 99,68%, trong đó có 28 trường có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đạt 100%.
Năm 2023, kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia của tỉnh xếp 4/13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với 18 giải, chỉ sau TP. Cần Thơ (25 giải), tỉnh Đồng Tháp và tỉnh An Giang (mỗi tỉnh 19 giải).
* PV: Thưa Tiến sĩ, bên cạnh những thành tựu đạt được,, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang hiện đang gặp những khó khăn nào?
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác GD-ĐT của tỉnh vẫn gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể như: Chất lượng giáo dục tuy có nâng lên song chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương; một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa còn hạn chế; một số phòng học bán kiên cố xuống cấp chưa kịp thời cải tạo, sữa chữa; vấn đề dạy thêm, học thêm chưa được chấn chỉnh như mong muốn…
*PV: Năm học 2023 – 2024 sắp tới, ngành GD-ĐT đã có những bước chuẩn bị như thế nào cho năm học mới?
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Để chuẩn bị cho năm học 2023 – 2024, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang tập trung rà soát, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hiện toàn tỉnh có 510 cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến THPT, với 8.750 phòng học; trong đó có 7.874 phòng học kiên cố (chiếm tỷ lệ gần 90% tổng số phòng học).
Để chuẩn bị cho năm học mới, toàn tỉnh thực hiện đầu tư xây mới các phòng học và sửa chữa nhiều hạng mục như cổng trường, hàng rào, nhà vệ sinh; rà soát mua sắm trang thiết bị tối thiểu phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Trong giai đoạn 2021 – 2025, tổng mức đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp ở bậc mầm non là 53 công trình với trên 1.000 tỷ đồng; bậc tiểu học 64 công trình, trị giá hơn 1.064 tỷ đồng; THCS là 48 công trình với 1.007 tỷ đồng; bậc THPT 20 công trình, trị giá 441 tỷ đồng.
Công tác quan trọng tiếp theo là ngành sẽ tập trung tuyển dụng đội ngũ giáo viên còn thiếu ở các cấp học, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
*PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Chung kết Chương trình “Đường đến vinh quang” lần thứ XIII diễn ra ngày 20-8 Theo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, ngày 20-8, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Tiền Giang, Viễn thông Tiền Giang và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang tổ chức vòng Chung kết Chương trình “Đường đến vinh quang” lần thứ XIII, năm học 2022 – 2023.
Vòng chung kết năm nay với sự tham gia của 4 gương mặt đến từ các trường trung học phổ thông trong và ngoài tỉnh: Phạm Thiệu Tước (THPT Chuyên Tiền Giang – hạng Nhất quý I); Phạm Bảo Toàn (THPT Vĩnh Bình – hạng Nhất quý II); Trịnh Vĩ Khôi (THPT Chuyên Bến Tre – hạng Nhất quý III); Hầu Quốc Tuấn (THPT Cái Bè – hạng Nhì quý I).
|
ĐỖ PHI (thực hiện)
.