(ABO) Hiện nay, vấn nạn lục bình lại xuất hiện ở một số tuyến kinh, rạch nội đồng vùng Ngọt hóa Gò Công. Trước tình trạng này, những ngày qua đã xuất hiện tình trạng phun xịt thuốc diệt cỏ để diệt lục bình.
Sử dụng thuốc diệt cỏ để diệt lục bình tại kinh N8 (đoạn qua xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây). |
Ghi nhận vào chiều ngày 6-6, tại một số đoạn thuộc tuyến kinh N8, kinh Tham Thu thuộc địa bàn huyện Gò Công Tây, lục bình đã xuất hiện trở lại dày đặc.
Tình trạng sử dụng thuốc diệt cỏ để xử lý lục bình đã diễn ra tại các đoạn kinh này. Nhiều mảng lớn lục bình bị thuốc diệt cỏ làm héo, chết gây ảnh hưởng đến nguồn nước tại các dòng kinh.
Sử dụng thuốc diệt cỏ để diệt lục bình tại kinh N8 (đoạn qua xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây). |
Cũng qua ghi nhận vào sáng ngày 7-6, tại một số tuyến kinh thuộc huyện Gò Công Đông cũng xuất hiện tình trạng dùng thuốc diệt cỏ để xử lý lục bình.
Vào năm 2018, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức “chiến dịch” ra quân thực hiện trục vớt lục bình ở các tuyến sông, kinh, rạch trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, đưa ra phương án quản lý, duy trì thông thoáng lòng sông, kinh, rạch trên địa bàn tỉnh.
Sử dụng thuốc diệt cỏ để diệt lục bình tại kinh Tham Thu (đoạn qua xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây). |
Điều này đã tác động tích cực đến việc duy trì thông thoáng lòng sông, kinh, rạch trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, ngày 14-12-2022, UBND tỉnh cũng ban hành Phương án số 390/PA-UBND về quản lý, duy trì thông thoáng lòng kinh, rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Một tuyến kinh thuộc huyện Gò Công Đông cũng xuất hiện tình trạng dùng thuốc diệt cỏ để xử lý lục bình. |
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành tỉnh có liên quan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các nội dung cụ thể.
Lục bình dày đặc tại sông Rầm Vé (TX. Gò Công). |
Một trong những nội dung quan trọng mà UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố, thị xã là chủ động kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân xả chất thải, rác thải vào lòng kinh, rạch; sử dụng thuốc diệt cỏ để diệt lục bình gây ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý theo Nghị định số 03/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc diệt cỏ để diệt lục bình lại đang diễn ra tiềm ẩn nguy cơ, hậu quả khó lường về môi trường.
N. THỨC
.