Diện tích sầu riêng vượt kế hoạch năm 2025
Là nông dân trồng sầu riêng nhiều năm tại huyện Cai Lậy-một trong những địa phương trồng sầu riêng hàng đầu của tỉnh Tiền Giang-anh Phạm Thanh Nhã, xã Long Trung, cho biết: Từ khi có hệ thống đê bao, cống đập ngăn mặn, cây sầu riêng được bà con nơi đây lựa chọn và gắn bó. Sầu riêng Ri6 hiện có giá khoảng 90.000 đồng/kg, còn sầu riêng Monthong 110.000-120.000 đồng/kg. Với 3.000m2 sầu riêng của gia đình, nếu cây cho trái năng suất bình thường, bán với giá khoảng 90.000 đồng/kg thì mỗi năm trừ chi phí lãi khoảng 400 triệu đồng, gấp cả chục lần trồng lúa.
Hấp lực từ giá khiến diện tích trồng sầu riêng ở Tiền Giang có sự thay đổi từng ngày. Ồ ạt trồng nhưng khi được hỏi về tương lai của sầu riêng, nhiều người vẫn chưa dám khẳng định mai này sẽ ra sao. Một số người còn “vô tư” cho rằng chỉ cần mình bỏ công chăm sóc và cẩn thận rửa phèn, bón phân thì “trời chẳng phụ công”.
Sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết đã tạo điều kiện quan trọng để quả sầu riêng của Việt Nam có đầu ra bền vững tại thị trường này. Do đó, diện tích trồng sầu riêng của Tiền Giang đã tăng thêm 3.000ha, nâng tổng diện tích loại cây ăn trái đặc sản này lên 20.000ha, đứng đầu cả nước. Hiện, diện tích trồng sầu riêng tập trung ở hai huyện là Cái Bè và Cai Lậy, riêng các xã vùng lũ phía Bắc Quốc lộ 1 thời gian qua cũng ào ạt chuyển đổi đất lúa năng suất thấp sang sầu riêng khiến cho diện tích loại trái cây này vượt 5.000ha so với kế hoạch đến năm 2025.
Nhiều hệ lụy từ phát triển ồ ạt
Trong những năm gần đây, thị trường Trung Quốc không còn là thị trường tiêu thụ dễ tính. Theo quy định của thị trường này thì sầu riêng trồng xen với các cây khác sẽ không được cấp mã số vùng trồng (MSVT). Cứ 3 năm, phía bạn sẽ rà soát một lần với các mã số được cấp. Trong khi tại Tiền Giang, tính đến thời điểm hiện tại, MSVT sầu riêng được cấp và đang hoạt động trên địa bàn tỉnh mới được 5 mã, với diện tích 210,27ha và 149 hồ sơ đề nghị cấp mới MSVT với diện tích 5.985ha đã gửi về Cục Bảo vệ thực vật chờ cấp mã số.
Ồ ạt trồng khi thấy giá tăng không phải câu chuyện mới của nông nghiệp Việt Nam. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo việc tăng nóng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ khủng hoảng thừa do nguồn cung lớn. Thống kê cho thấy, 70% sản lượng sầu riêng ở Tiền Giang đều xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, phần lớn là dưới dạng trái tươi. Do đó, chỉ cần thị trường biến động, “cây tiền tỷ” như sầu riêng dễ dàng trở thành “sầu chung” cho nông dân nơi đây.
TS Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam đánh giá tình trạng nông dân ở miền Tây ồ ạt trồng các loại cây ăn quả sau đó bị rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa mất giá từng xảy ra. Chẳng hạn trước đây, cây mít Thái giá cao, nông dân đổ xô trồng, sau đó giá mít xuống còn 5.000 đồng/kg, phải đốn bỏ. Hay như cam sành Vĩnh Long diện tích vượt quy hoạch, cung vượt cầu, sau đó phải nhờ giải cứu. “Theo Đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sầu riêng cả nước là 65.000-75.000ha. Tuy nhiên, con số này hiện đã lên hơn 80.000ha và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Nếu không sớm có giải pháp thì sầu riêng sẽ là cây tiếp theo chịu hệ lụy của tình trạng trồng-chặt, bởi hiện mới chỉ có 20% sản lượng được vào thị trường Trung Quốc”, ông Thoại nói.
Ngoài vấn đề về thị trường, GS, TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ còn lo ngại tình trạng thổ nhưỡng không phù hợp khiến sầu riêng đối mặt với nhiều nguy cơ. Điển hình như ở huyện Tân Phước (Tiền Giang) chủ yếu là đất phèn trũng, chỉ thích hợp các loại cây như khóm, nếu trồng sầu riêng sẽ tốn nhiều chi phí cải tạo đất. GS, TS Nguyễn Bảo Vệ cũng cảnh báo: “Những vùng có nguy cơ bị ngập lũ như Đồng Tháp Mười (gồm một phần của 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp) nếu trồng sầu riêng mà không có hệ thống đê bao an toàn sẽ gây ra nhiều rủi ro. Mặt khác, ở những vùng có cống ngăn mặn, nhưng nếu thời gian dài thiếu nước ngọt, phèn từ dưới đất sẽ xì lên làm chết cây. Nếu theo phương án đào đất, xây bê tông rồi làm ụ cao để rễ cây không bị nhiễm phèn cũng là thất sách bởi cây không có rễ phát triển mạnh thì nguy cơ gãy đổ là rất cao vì mật độ chắn gió bão không có”.
Trước thực trạng ồ ạt tăng diện tích sầu riêng, để thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, quan điểm của Sở là không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng mà cần tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia vào vùng trồng để được phía Trung Quốc cấp MSVT. “Hiện Sở đang khẩn trương phối hợp với chính quyền các địa phương tập huấn thủ tục lập hồ sơ xuất khẩu chính ngạch cho các doanh nghiệp và hợp tác xã, với mục tiêu đến cuối năm nay có khoảng 50% diện tích được Trung Quốc cấp MSVT; vận động nông dân tham gia các hợp tác xã để bảo đảm tính đồng bộ trong canh tác”, ông Mẫn nói.
Nhà nước không thể bắt buộc nông dân phải trồng cây gì trên mảnh vườn của họ, cũng như không thể dùng mệnh lệnh hành chính hay kêu gọi doanh nghiệp, thương lái mua hộ nông dân lúc nông sản ứ đọng. Vì thế, ngành chức năng không chỉ tuyên truyền, kêu gọi, khuyến cáo mà cần có các chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực thi. Cần sớm hình thành các tổ hợp đủ mạnh, các trung tâm nông sản theo không gian quy hoạch để khuyến khích, hỗ trợ việc phát triển vùng trồng, ngành hàng theo đúng quy hoạch. Cùng với đó, ngành hàng sầu riêng nên tập trung xây dựng thương hiệu, mở rộng diện tích được cấp MSVT, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, đóng gói, bao bì đủ điều kiện, bảo đảm vận chuyển, phân phối, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm thay vì tìm cách tăng diện tích và sản lượng.
Bài và ảnh: THÚY AN