Hơn 700.000m3 cát đã về công trường
Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, dự án thành phần 1, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp khởi công cuối tháng 6/2023 nhưng từ giữa tháng 5/2024 có cát về công trường không khí thi công mới nhộn nhịp.
Điều này cho thấy, đối với các công trình giao thông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt dự án cao tốc, cát là yếu tố quyết định tiến độ thực hiện và khả năng dự án về đích theo đúng kế hoạch đã được đề ra.
Ông Nguyễn Quang Tuân, Chỉ huy trưởng công trình, Công ty CP Đầu tư – Xây dựng và Kỹ thuật VNCN (nhà thầu thi công) cho biết, công ty được tỉnh Đồng Tháp giao trực tiếp khai thác cát và phân bổ lại cho các nhà thầu khác trong cùng gói thầu.
Trước khi mỏ cát thứ 4 thuộc phường 11 và xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh được khai thác ngày hôm qua (6/10), nhà thầu đã được tỉnh Đồng Tháp bàn giao 3 mỏ cát gồm: Mỏ cát thuộc xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh và xã Mỹ An Hưng A, xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò.
Mỏ thứ hai thuộc xã Thường Lạc, Long Khánh A, huyện Hồng Ngự và phường An Lạc, thành phố Hồng Ngự; mỏ cát thứ ba thuộc xã An Hiệp và An Nhơn, huyện Châu Thành.
“Công trường cao tốc cần khối lượng cát đắp nền lớn. Do vậy, khi được tỉnh Đồng Tháp bàn giao mỏ cát theo cơ chế đặc thù, công ty tranh thủ hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo quy định để mỏ cát sớm được khai thác.
Đến nay, với những mỏ cát đang hoạt động, nhà thầu đã khai thác được 707.000m3 cát phục vụ thi công cao tốc theo quy định.
Từ khi có cát, tiến độ thực hiện dự án tăng thêm từng ngày và hiện đạt hơn 40%”, ông Tuân nói.
Hoàn thành gia tải vào cuối năm nay
Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, dự án thành phần 1, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp dài 16km. Công ty CP Đầu tư – Xây dựng và Kỹ thuật VNCN thi công đoạn 9,4km. Số còn lại do Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An và Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Dacinco thực hiện.
Ông Tuân cho biết thêm, gói thầu do công ty phụ trách cần 1,2 triệu m3 cát đắp nền. Thời gian trước, cát về công trường ít, nhà thầu tập trung đưa cát vào những nơi trọng yếu, có thời gian gia tải dài.
Hiện tại, với 4 mỏ cát đã được khai thác, việc thi công thuận lợi, nhà thầu tổ chức cho công nhân bơm cát đại trà và thực hiện các công đoạn tiếp theo để bắt đầu gia tải nền đường.
“Với 4 mỏ cát đang được khai thác, mỗi ngày số lượng cát về công trường là 11.700m3 cát, đáp ứng đủ số lượng thi công trong ngày.
Do vậy, khi cát về bao nhiêu, nhà thầu sẽ tập trung bơm lên công trường bấy nhiêu”, ông Tuân cho hay.
Dự kiến cuối năm 2025, cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, dự án thành phần 1, đoạn qua tỉnh Đồng Tháp sẽ đưa vào khai thác.
Chính vì điều này, từ đây đến cuối năm 2024, các nhà thầu phụ trách thi công phải hoàn thành gia tải nền đường theo quy định thì mới kịp tiến độ đã được đề ra.
“Để việc thi công được thuận lợi khi đã có đủ cát, nhà thầu sẽ tăng thêm 30% máy móc, thiết bị và công nhân về công trường. Đồng thời, nhà thầu còn tổ chức cho công nhân thi công tăng ca, tăng kíp nhằm hoàn thành việc gia tải nền đường vào cuối năm nay”, ông Tuân thông tin.
Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Trong đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 16km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng.
Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô bốn làn xe, với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tien-do-cao-toc-cao-lanh-an-huu-tang-tung-ngay-192241007155000316.htm