Trái với kỳ vọng, nhiều nước Đông Nam Á, như Thái Lan, Singapore… đã có biện pháp phòng hộ và giữ khoảng cách an toàn với Quỹ Hoán đổi danh mục (ETF) bằng đồng bitcoin vừa được Ủy ban Chứng khoán và giao dịch (SEC) Mỹ phê duyệt giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Phản ứng tức thời
Kể từ ngày 10-1, ETF được giao dịch trên các thị trường giao dịch công khai, cho phép các nhà đầu tư tiếp cận biến động giá của tài sản mà không cần sở hữu trực tiếp tài sản cơ bản. Điều này có nghĩa ETF là phương thức dễ dàng nhất để đầu tư các tài sản hoặc nhóm tài sản như vàng, trái phiếu đầu cơ hoặc bitcoin mà không cần phải trực tiếp mua tài sản đó. Trong ngày giao dịch đầu tiên, các quỹ ETF bitcoin giao ngay ở Mỹ thu hút được lượng vốn 4,6 tỷ USD.
Theo giới phân tích, đây là thắng lợi lớn đối với Phố Wall và là một chiến thắng của ngành công nghiệp tiền kỹ thuật số sau gần 2 năm hỗn loạn dẫn đến sự sụp đổ của một số công ty tiền kỹ thuật số, đặc biệt là FTX vào tháng 11-2022. Những người ủng hộ kỳ vọng bước tiến này sẽ thúc đẩy nhu cầu về tiền kỹ thuật số, giúp đồng tiền này tiến sâu hơn vào xu hướng tài chính chính thống. Tuy nhiên, SEC nêu rõ cơ quan này vẫn còn nhiều hoài nghi về tiền kỹ thuật số và quyết định trên không có nghĩa họ đã xác nhận hoặc chấp thuận đồng bitcoin.
Vẫn nên thận trọng
Trái với Phố Wall, thị trường châu Á đón nhận thông tin ETF được giao dịch trên các thị trường giao dịch công khai chưa nhiệt tình, thậm chí khá lạnh lùng ở Đông Nam Á. Cơ quan tiền tệ Singapore cho rằng, giao dịch tiền điện tử “có tính chất rất biến động và mang tính đầu cơ”, do đó không phù hợp với các nhà đầu tư bán lẻ, đồng thời nhắc lại sự không chấp thuận mà cơ quan này đang duy trì. Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Thái Lan đã đưa ra quyết định về các quỹ ETF bitcoin giao ngay. Trong một tuyên bố ngày 16-1, cơ quan này cho biết sự phát triển của các quỹ ETF bitcoin giao ngay ở thị trường nước ngoài vẫn đang ở giai đoạn đầu, những quỹ ETF như vậy có thể không mang lại giá trị kinh tế trực tiếp phù hợp với bối cảnh hiện tại của Thái Lan.
Sở dĩ có phản ứng trên là vì thời gian qua, cả Singapore và Thái Lan đều chứng kiến sự phá sản của các tên tuổi lớn trong lĩnh vực tiền ảo khi giá loại tiền này lao dốc năm 2022, như Three Arrows Capital, Zipmex. Trong đó, Singapore là quốc gia thực thi nhiều quy định nghiêm ngặt nhất về tiền điện tử để bảo vệ các nhà đầu tư bán lẻ. Ngân hàng Trung ương Singapore đã đưa ra các quy định mới để bảo vệ lợi ích của các cá nhân bằng cách hạn chế khả năng giao dịch tiền điện tử, bao gồm cấm hạn mức tín dụng cho mục đích mua tài sản kỹ thuật số dễ biến động. Trong số các biện pháp mới có hiệu lực theo từng giai đoạn từ giữa năm 2024, các ưu đãi khuyến khích cá nhân giao dịch token kỹ thuật số bị cấm; cấp tín dụng giao dịch miễn phí hoặc dùng tài sản kỹ thuật số làm phần thưởng… cũng bị cấm.
Theo tờ Nikkei Asia, trong khi các cơ quan quản lý tài chính ở Singapore, Thái Lan và cả Hàn Quốc có lập trường cứng rắn hơn đối với tiền điện tử thì các khu vực tài chính như Hồng Công và Dubai đang cố gắng thu hút đầu tư liên quan đến tiền điện tử. Tháng trước, Cơ quan tiền tệ Hồng Công (HKMA) cùng với Cục Dịch vụ tài chính và ngân khố (FSTB) đã phát hành một tài liệu tham vấn cộng đồng để thu thập ý kiến người dân về chế độ quản lý đối với các tổ chức phát hành tiền điện tử stablecoin. Ngoài ra, HKMA còn thông báo cấp phép và thành lập “sandbox” với mục đích truyền đạt những kỳ vọng giám sát và hướng dẫn về việc tuân thủ cho các nhà phát hành stablecoin tiềm năng.
Trong khi đó, số liệu từ Chainalysis cho thấy, năm 2023, Ấn Độ nắm giữ vị trí đầu bảng trong chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu, đồng thời giữ vị trí là thị trường tiền điện tử lớn thứ 2 thế giới về khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh tiền điện tử tại quốc gia này đang phải đối mặt với thách thức lớn do những quy định thuế nghiêm ngặt, đẩy các nhà đầu tư và doanh nghiệp tìm đến Dubai – nơi được coi là thiên đường mới của hệ sinh thái tiền điện tử đang phát triển mạnh mẽ với thuế thấp, quy trình thành lập doanh nghiệp đơn giản.
Các nhà phân tích dự đoán, số lượng chủ sở hữu tiền điện tử có thể tăng từ 850 triệu lên 950 triệu người trong năm 2024. Còn theo các chuyên gia, với các động thái pháp lý và hướng dẫn rõ ràng, dẫu có thận trọng, khu vực châu Á vẫn sẽ trở thành một trong những nền kinh tế tiền điện tử phát triển nhanh nhất trên toàn cầu.
KHÁNH HƯNG