Bộ Y tế vừa có công văn số 6881/BYT-DP chính thức phê duyệt việc triển khai tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại TP.HCM.
Tin mới y tế ngày 7/11: Tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại TP.HCM
Bộ Y tế vừa có công văn số 6881/BYT-DP chính thức phê duyệt việc triển khai tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại TP.HCM.
Phê duyệt triển khai tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại TP.HCM
Quyết định này được đưa ra nhằm tăng cường biện pháp phòng dịch trong giai đoạn cao điểm hiện tại. Từ đầu mùa dịch đến nay, số bệnh nhi mắc sởi dưới 9 tháng tuổi được ghi nhận là 349 trẻ, chiếm tỷ lệ 24% tổng số ca mắc, đặc biệt là ở nhóm từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi.
Bộ Y tế vừa có công văn số 6881/BYT-DP chính thức phê duyệt việc triển khai tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại TP.HCM. |
Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi đã góp phần làm giảm số ca mắc bệnh trong độ tuổi này. Tuy nhiên, hệ thống giám sát ghi nhận số ca bệnh mới đang tăng ở nhóm tuổi dưới 9 tháng tuổi.
Đây là nhóm tuổi nhỏ, chưa đủ tuổi để tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi theo chương trình tiêm chủng mở, trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ.
Trước thực tế đó, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản kiến nghị với Bộ Y tế về việc tiêm vắc-xin sởi cho trẻ em trong độ tuổi này. Ngày 6/11/2024, Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt việc triển khai tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại TP. HCM.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vắc-xin sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp chống dịch tăng cường. Mũi vắc-xin này được xem như là mũi “Sởi 0” và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 02 mũi vắc-xin sởi theo lịch của chương trình Tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo Sở Y tế Thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt ít nhất 95% tại các xã, phường và tuân thủ các biện pháp an toàn.
Các đơn vị liên quan sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ, đảm bảo không bỏ sót đối tượng, đặc biệt là trẻ nhỏ đang nằm viện.
Vắc-xin tiêm sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng là vắc-xin được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Công tác tiêm mũi sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng sẽ được thành phố triển khai đảm bảo an toàn.
TP.HCM sẽ tiếp tục rà soát và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi trên địa bàn, cũng như triển khai tiêm chủng các vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho các đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đầy đủ.
Ngành Y tế khuyến cáo phụ huynh và người thân trong gia đình cần chủ động đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng để được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ.
TP.HCM: Xử phạt Công ty TNHH Bệnh viện Mary
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vừa ra quyết định xử phạt và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 3 tháng đối với Công ty TNHH Bệnh viện Mary.
Công ty TNHH Bệnh viện Mary có địa chỉ tại 166A Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú đã có các hành vi vi phạm: Sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Công ty TNHH Bệnh viện Mary ngoài bị phạt số tiền 95 triệu đồng còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 3 tháng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở trong 2 tháng; buộc tháo gỡ, xóa nội dung quảng cáo vi phạm.
Thanh tra Sở Y tế cũng ra quyết định xử phạt ông Trần Văn Dũng, bác sỹ Công ty TNHH Bệnh viện Mary số tiền 35,6 triệu đồng về hành vi khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Một nhân viên Phòng khám Chuyên khoa Phụ sản thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Mary bị phạt 35 triệu đồng về hành vi khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề.
Trước đó, Thanh tra Sở phối hợp Phòng Y tế quận Tân Phú và UBND phường Tân Sơn Nhì tiến hành kiểm tra tại địa chỉ số 166A Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú. Thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận cơ sở đóng cửa, không hoạt động.
Qua tra cứu thông tin cho thấy, tại địa chỉ này là Công ty TNHH Bệnh viện Mary do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép; Phòng khám Chuyên khoa Phụ sản thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Mary có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh do Sở Y tế cấp ngày 28/8/2023.
Thanh tra Sở Y tế đã mời các cá nhân có liên quan đến làm việc. Bước đầu ghi nhận cơ sở có sử dụng nhân sự chưa được cấp giấy phép hành nghề tham gia khám bệnh, chữa bệnh.
Hà Nội: Thí điểm triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên VNeID
UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 322/KH-UBND về việc triển khai thí điểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Kế hoạch nhằm tăng cường sự kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở y tế: Tích hợp Sổ sức khỏe điện tử tích hợp với VNeID giúp các cơ sở y tế (bao gồm các cơ sở y tế nhà nước và cơ sở y tế tư nhân) chia sẻ dữ liệu sức khỏe của bệnh nhân dễ dàng, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, tiết kiệm, tránh lãng phí do cùng thực hiện một công việc ở nhiều cơ sở y tế khác nhau.
Nâng cao hiệu quả quản lý y tế công cộng: Việc thu thập và quản lý dữ liệu y tế tập trung, thống nhất trong một cơ sở dữ liệu dùng chung do Thành phố quản lý sẽ giúp các cơ quan y tế Thành phố các cấp dễ dàng theo dõi, phân tích xu hướng sức khỏe cộng đồng, từ đó có các biện pháp phòng ngừa, can thiệp y tế kịp thời và hiệu quả hơn.
Giảm thiểu giấy tờ người dân phải mang khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân. Bên cạnh đó, người dân có thể theo dõi, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân liên tục, suốt đời; chủ động trong việc phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe bản thân, giảm các chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố.
Cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân.
UBND TP.HCM đặc biệt yêu cầu đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh thông tin trong quá trình khai thác dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử của người dân, không để thất thoát, lộ lọt và sử dụng dữ liệu vào mục đích bất hợp pháp.
Tổ chức tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của Sổ sức khỏe điện tử; huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương.
UBND TP.Hà Nội yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố triển khai thực hiện theo hướng dẫn.
Công an Thành phố phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn Tổ chuyển đổi số cộng đồng hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử-VNeID mức 2; vận động, hướng dẫn người dân thực hiện tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế vào ứng dụng VNeID.
UBND các quận, huyện, thị xã Căn cứ Kế hoạch của UBND Thành phố, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết của quận/huyện/thị xã; đồng thời bố trí nguồn kinh phí địa phương để triển khai Kế hoạch đạt hiệu quả
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-711-tiem-vac-xin-soi-cho-tre-tu-6-den-duoi-9-thang-tuoi-tai-tphcm-d229388.html