Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo.
Các tham luận tại hội thảo đã tập trung giới thiệu về tiềm năng của bèo hoa dâu trong phát triển nông nghiệp bền vững. Các đại biểu từ các địa phương của cả ba miền Bắc, Trung, Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình hay, hoạt động canh tác, triển khai kế hoạch liên quan đến cây bèo hoa dâu. Liên hệ từ thực tiễn của những nước phát triển bèo hoa dâu trong sản xuất nông nghiệp, TS. La Nguyễn, Viện Thổ Nhưỡng – Nông hóa cho biết: Tiềm năng nông học của các loài Azolla rất cao, đặc biệt khi được áp dụng như một loại phân bón sinh học để tăng năng suất lúa, cải thiện môi trường nước tại vùng trồng lúa nước. Ngoài ra, trên thế giới, bèo hoa dâu còn được sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi, phân bón sinh học, chất làm sạch nước, thuốc diệt cỏ sinh học, diệt côn trùng, khử trùng, chống ký sinh trùng, chống nấm, chống vi khuẩn. Các chiết xuất từ Azolla còn có thể được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm do các thành phần trong bèo hoa dâu có nhiều tính chất hữu ích và chữa bệnh như chống oxy hóa, chống ung thư, chống viêm, chống tiểu đường, bảo vệ gan và dạ dày, kháng virus, bảo vệ thần kinh, bảo vệ tim mạch và hạ huyết áp, giảm căng thẳng. Những đặc tính này làm nổi bật tiềm năng của bèo như một tài nguyên linh hoạt linh hoạt với các ứng dụng từ nông nghiệp đến dược phẩm và quản lý môi trường.
TS. La Nguyễn, Viện Thổ Nhưỡng – Nông hóa phát biểu
Từ các mô hình canh tác lúa hữu cơ giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn, ThS. Phạm Thị Thu, Sở NN-PTNT Bắc Kạn chia sẻ: Thông qua việc sử dụng bèo hoa dâu trong các mô hình trên địa bàn tỉnh như làm phân bón cho lúa, làm thức ăn cho ốc nhồi đen; canh tác lúa hữu cơ (nếp Tài) kết hợp nuôi cá chép và bèo hoa dâu gắn với du lịch cộng đồng… cho thấy việc nhân rộng bèo hoa dâu vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Do chưa có định mức xây dựng mô hình về bèo hoa dâu nên hiện nay chủ yếu chỉ lồng ghép vào các lớp tập huấn mô hình nên diện tích ứng dụng còn ít, nhỏ lẻ, cần có nghiên cứu chi tiết để đánh giá được hiệu quả kinh tế để nhân rộng các mô hình. ThS. Phạm Thị Thu kiến nghị Bộ NN-PTNT xây dựng định mức cho mô hình bèo hoa dâu, hoặc có văn bản chỉ đạo khuyến khích thực hiện các mô hình bèo hoa dâu. theo bà Thu, qua kinh nghiệm triển khai nhiều mô hình, đối với mô hình bèo hoa dâu, thay vì hỗ trợ cho từng cá nhân thì nên hỗ trợ theo hướng cộng đồng.
ThS. Phạm Thị Thu, Sở NN-PTNT Bắc Kạn chia sẻ tại hội thảo
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng Phó Giám đốc HTX Vân Hội Xanh (Tam Dương, Vĩnh Phúc), về hiệu quả xã hội, bèo hoa dâu mang lại cơ hội bình đẳng giữa mọi vùng miền, mọi thành phần dân tộc. Bất kỳ ai cũng có thể nhân nuôi và ứng dụng bèo hoa dâu giúp giảm nghèo và làm giàu bền vững. Đặc biệt, khi đưa bèo hoa dâu vào canh tác lúa sẽ tạo được dòng sản phẩm phát thải thấp với số lượng lớn, mở ra cơ hội giao dịch tín chỉ carbon từ những vùng sản xuất (500ha x 20 tín chỉ/ha =10.000 tín chỉ).
Với mong muốn sử dụng bèo hoa dâu trong sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, ông Hoàng đề xuất bổ sung bèo hoa dâu như một loại phân bón hữu cơ cho trồng trọt để các địa phương lồng ghép vào các chương trình hỗ trợ của nhà nước, đồng thời các địa phương căn cứ vào nhu cầu của mình sẽ đặt hàng sản xuất theo đơn hàng. Theo ông Hoàng, đó là phương án nhanh nhất để đưa bèo hoa dâu vào sản xuất với chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng Phó Giám đốc HTX Vân Hội Xanh (Tam Dương, Vĩnh Phúc) phát biểu
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Hôm nay chúng ta bàn câu chuyện nhỏ như “bèo hoa dâu”. Bản thân bèo hoa dâu không lớn, nhưng giá trị mà nó mang lại thì không hề nhỏ. Từ những câu chuyện nhỏ như vậy sẽ khởi tạo tư duy mới để phát huy giá trị những tài nguyên xung quanh mình mà đôi lúc chúng ta đã bỏ quên và hướng tới xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm, bảo tồn dinh dưỡng đất, tài nguyên, đa dạng sinh học, giảm phát thải, phát triển bền vững. Để làm được điều này, cần có sự hợp lực sức mạnh giữa nhà nước và xã hội. Từ những kinh nghiệm, thành tựu từ các mô hình thực tế, cơ quan quản lý Nhà nước, nhà khoa học cần đẩy nhanh tiếp cận theo chiều sâu để có cơ sở vững chắc chỉ rõ tại sao phải đầu tư “phục hưng” bèo hoa dâu và xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật.
Toàn cảnh hội thảo
Nguồn: https://www.mard.gov.vn/Pages/beo-hoa-dau-tiem-nang-va-thach-thuc-trong-san-xuat-nong-nghiep-ben-vung.aspx