Tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở Hải Lăng

Công LuậnCông Luận16/02/2025

Hải Lăng là huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Quảng Trị, tiếp giáp với thành phố Huế, có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.


Các điểm du lịch trên địa bàn huyện Hải Lăng chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn như Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc (xã Hải Hưng), bãi tắm Mỹ Thủy (xã Hải An), Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang (xã Hải Phú), Làng cổ Hội Kỳ (xã Hải Chánh) và nhiều vùng quê có phong cảnh đẹp, gắn với những lễ hội, làng nghề truyền thống đặc sắc để đầu tư phát triển du lịch. Ngoài ra, huyện đã tiến hành khảo sát các điểm, tuyến du lịch mới như; thác Chờơng, thác Chàn Hoàng, hồ Cầu Mưng, thác Heo, hồ Khe Khế, Trằm Lớn, Trằm Khang, Đập Trén,...

quang tri tiem nang va loi the de phat trien du lich sinh thai du lich cong dong o hai lang hinh 1

Khu du lịch sinh thái Trằm Trà lộc nhìn từ trên cao. Ảnh: Cái Văn Long

Ông Nguyễn Đức Thuyền, Chủ tịch UBND xã Hải Hưng (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) cho biết: “Hiện nay UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định công nhận Khu du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc là điểm du lịch sinh thái cộng đồng cấp tỉnh. Trằm Trà Lộc đã có quy hoạch lên đến 100 ha, nơi đây được ví như ‘lá phổi xanh’ giữa miền cát trắng. Đây là một khu rừng tự nhiên rộng lớn còn lại ở huyện Hải Lăng, khu rừng này đã tồn tại hàng trăm năm nay và được người dân địa phương xem đây là tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho họ. Hệ sinh thái ở trằm Trà Lộc rất đa dạng và phong phú. Dù nằm trong vùng đất cát ít màu mỡ nhưng toàn bộ cây xanh mọc tự nhiên ở đây như: lộc vừng, phi lao… luôn xanh mướt. Hồ nước ở giữa trằm Trà Lộc rộng khoảng 10ha cũng luôn trong lành. Tất cả hòa quyện với hương sen, hương lúa, tạo nên một điểm đến khá hấp dẫn cho du khách. Hiện nay, ở khu vực lòng hồ có 7 hộ kinh doanh ẩm thực để phục vụ khách tham quan”.

quang tri tiem nang va loi the de phat trien du lich sinh thai du lich cong dong o hai lang hinh 2

Hàng ngàn người dân địa phương và du khách gần xa tham gia bắt cá trong lễ hội phá Trằm Trà Lộc. Ảnh: Cái Văn Long

Tiếp đến là Thác Chờơng (xã Hải Sơn và xã Hải Chánh), được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hết sức kỳ thú, với cảnh quan tuyệt đẹp, núi rừng xanh bát ngát. Sau chặng đường dài vượt thác, du khách được đắm mình vào dòng suối trong mát lắng nghe tiếng chim hót líu lo, thả hồn vào bầu không khí trong lành thoáng đãng, mọi phiền muộn cuộc sống lúc này đều như tan biến. Du khách đến đây có thể hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp và tận hưởng không khí trong lành, đặc biệt là ngắm nhìn loài hoa đỗ quyên khoe sắc dọc 2 bên bờ suối và đàn cá suối bơi tung tăng dưới dòng nước trong vắt.

quang tri tiem nang va loi the de phat trien du lich sinh thai du lich cong dong o hai lang hinh 3

Thác Khe Mương, nằm phía dưới Thác Chờơng (xã Hải Sơn), mặc dù đang còn nguyên sinh, chưa được đầu tư khai thác nhưng đã thu hút hàng trăm du khách đến tắm mỗi ngày vào dịp mùa hè. Ảnh: Cái Văn Long

Hay nép mình bên dòng Ô Lâu hiền hòa, thơ mộng có ngôi làng Hội Kỳ, thuộc xã Hải Chánh hiện còn lưu giữ nhiều căn nhà cổ hàng trăm năm, với những nét kiến trúc độc đáo, thu hút không ít những người yêu thích chốn làng quê yên bình mang dấu ấn thời gian.

Ngôi làng này, được thành lập cách đây hơn 400 năm. Trải qua không ít thăng trầm của lịch sử, những người dân hiền hòa chất phác, giản dị luôn tự hào với tên gọi Hội Kỳ, nơi được bảo vệ của những rặng tre, sự bao bọc của dòng Ô Lâu huyền thoại và nơi có những ngôi nhà rường cổ độc đáo hiếm có, lưu giữ những di sản vật thể vô giá, vừa cổ kính vừa đồ sộ.

Bà Dương Thị Ánh Nga, người dân làng Hội Kỳ chia sẻ: “Hiện nay, làng Hội Kỳ còn có 16 căn nhà rường cổ, trong đó có 15 nhà ở và 1 nhà thờ họ. Các căn nhà rường ở đây hầu hết đều có tuổi thọ trên 100 năm. Đặc biệt, có nhiều căn nhà có tuổi thọ hơn 200 năm như nhà của ông Dương Quang Dân, hậu duệ nhà ông Ký (người giàu có của làng địa chủ ngày xưa); nhà ông Dương Văn Tuệ, hậu duệ của nhà lý trưởng; nhà ông Nguyễn Tiến Dũng hậu duệ của ông giáo Độ,..."

Điều khiến du khách bị hấp dẫn khi đến với làng cổ Hội Kỳ là được khám phá những nét tinh hoa kiến trúc có thể ẩn hiện ở bất kể vị trí nào trong những căn nhà. Nhiều chi tiết dù đơn lẻ, nhưng khi nằm trong tổng thể kiến trúc không hề mâu thuẫn với nhau mà hết sức tinh tế và hài hòa.

quang tri tiem nang va loi the de phat trien du lich sinh thai du lich cong dong o hai lang hinh 4

Ngôi nhà cổ ở làng Hội Kỳ có niên đại hàng trăm năm. Ảnh: Cái Văn Long

Một địa điểm du lịch tâm linh khá nổi tiếng mà du khách về với mảnh đất Hải Lăng không thể bỏ qua, đó là Thánh địa Đức Mẹ La Vang (xã Hải Phú) - trung tâm hành hương Công giáo lớn nhất Việt Nam. Thu hút hàng trăm ngàn du khách và bà con giáo dân đến chiêm bái, là nơi có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay đã được tỉnh Quảng Trị quy hoạch chung phát triển đô thị La Vang đến năm 2045, với diện tích 1738,5 ha.

Du lịch cộng đồng là mô hình du lịch, mà người dân ở địa phương là chủ thể, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho du khách và được chia sẻ các nguồn lợi do du lịch mang lại. Thông qua các hoạt động phục vụ du khách đến tham quan, như: lưu trú, ăn uống, trải nghiệm văn hóa bản địa, bán quà lưu niệm địa phương..., du lịch cộng đồng đang là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Để phát triển du lịch cộng đồng gắn với tạo sinh kế bền vững cho người dân, lãnh đạo huyện Hải Lăng cũng như lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cần phải thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch, có kế hoạch xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với cải thiện sinh kế bền vững để khai thác các giá trị văn hóa bản địa, cũng như bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Muốn làm được việc này, cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt... Từ đó định hướng các giá trị cốt lõi của cộng đồng, giữ gìn và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy.

Trên cơ sở đó, huyện Hải Lăng cũng như tỉnh Quảng Trị cần đưa ra những giải pháp, kêu gọi đầu tư, tổ chức, quản lý du lịch, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện liên kết với doanh nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho bà con tham gia làm du lịch, góp phần hoàn thiện những mô hình du lịch cộng đồng bền vững.

Liên quan đến vấn đề này ông Cáp Xuân Tá - Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết: “Huyện rất chú trọng mục tiêu của phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, tôn vinh, bảo tồn và phát triển lan tỏa các giá trị độc đáo của địa phương góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Chính vì điều đó huyện đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình Số 04/CTr-UBND ngày 7/3/2022 của UBND huyện về việc phát triển du lịch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Khai thác và phát huy hiệu quả các nguồn tài nguyên du lịch, góp phần từng bước đưa huyện Hải Lăng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời nâng cao đời sống cho người dân."

Cái Văn Long



Nguồn: https://www.congluan.vn/quang-tri-tiem-nang-va-loi-the-de-phat-trien-du-lich-sinh-thai-du-lich-cong-dong-o-hai-lang-post334729.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Xuyên đêm bủa lưới ở Cù Lao Chàm, ngư dân xứ Quảng trúng đậm cả chục tấn cá cơm
DJ top 1 thế giới khám phá Sơn Đoòng, khoe video triệu view
Phượng "Singapore": Cô gái Việt gây sốt khi mỗi bữa nấu gần 30 món ăn
Việt Nam tham gia Diễn tập Hải quân đa phương Komodo 2025

No videos available