Tờ Tân Hoa Xã cho hay, nhóm nghiên cứu từ Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh đã sử dụng phương pháp “tích hợp thông minh” trong một mạng thử nghiệm để đạt được cải thiện đáng kể về chỉ số truyền dữ liệu bao gồm dung lượng, phạm vi phủ sóng và hiệu suất.

Theo SCMP, công nghệ không dây thứ sáu, còn gọi là 6G, dự kiến sẽ cách mạng hoá truyền thông với tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn 5G tới 50 lần.

Liên minh Viễn thông Quốc tế, cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc, cho biết 6G ​​có thể thúc đẩy sự phát triển của một loạt các tiến bộ, cho phép truyền tải dữ liệu trở nên tức thì và kết nối trở thành phổ quát.

668f9cb1a31095c551b500e2.jpeg
Trung Quốc đang thử nghiệm công nghệ 6G trên cơ sở hạ tầng viễn thông 4/5G. Ảnh: ChinaDaily

Trong khi đó, công nghệ truyền tải hiện tại đã đạt đến giới hạn băng thông lý thuyết, tạo ra nhiều vấn đề lớn cần được khắc phục như khó khăn trong tăng dung lượng, chi phí phủ sóng và mức tiêu thụ năng lượng ở mức cao.

Các chuyên gia cho biết, cách tiếp cận thông thường để giải những bài toán trên là xếp chồng nhiều tài nguyên hơn vào mạng lưới truyền tải để tăng hiệu suất. Song, điều này cũng làm tăng đáng kể độ phức tạp của mạng lưới.

Theo nhóm nghiên cứu, để tạo ra đột phá, cách tiếp cận cần chuyển từ “đổi mới xếp chồng”, sang hệ thống thông minh truyền tải ý nghĩa thay vì dữ liệu, từ đó tạo ra hiệu quả và cắt giảm chi phí xử lý thông tin.

Kết quả thử nghiệm cho thấy “truyền tải ngữ nghĩa” có thể đạt được khả năng truyền tải 6G ngay trên hạ tầng viễn thông 4G.

Chia sẻ thêm về dự án, nhóm nghiên cứu của Đại học Bưu chính viễn thông Trung Quốc cho biết, sự tích hợp sâu sắc giữa truyền dữ liệu và trí thông minh là “một hướng đi quan trọng” trong quá trình phát triển công nghệ truyền thông. Trí tuệ nhân tạo (AI) cách mạng hoá viễn thông và công nghệ 6G cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của AI.

“AI sẽ cải thiện nhận thức và hiểu biết ngữ nghĩa dữ liệu truyền tải, trong khi sức mạnh 6G sẽ lần lượt mở rộng phạm vi của trí tuệ nhân tạo đến từng ngóc ngách của mọi lĩnh vực”, trưởng nhóm nghiên cứu cho hay. “Sự tích hợp của cả hai sẽ đẩy nhanh quá trình hình thành các hình thức kinh doanh mới của nền kinh tế kỹ thuật số”.

Trung Quốc đang nỗ lực thương mại hóa 6G vào khoảng năm 2030, với các tiêu chuẩn 6G dự kiến ​​sẽ được áp dụng vào năm 2025. Trong khi đó, Nhật Bản có kế hoạch cung cấp các dịch vụ “vượt ra ngoài 5G” vào năm 2030, với sự hợp tác của các công ty như NTT Docomo và Sony.

Hồi đầu năm nay, Mỹ và 9 quốc gia khác cũng đã đạt được thống nhất về bộ nguyên tắc cho các hệ thống truyền thông 6G.

(Theo SCMP, China Daily)

Chuẩn hóa 5G chưa ngã ngũ, châu Âu đã tính xây dựng tiêu chuẩn 6GTheo Tổng Giám đốc cơ quan tiêu chuẩn hóa châu Âu (ETSI), các nhà khai thác viễn thông EU có thể mong đợi các tiêu chuẩn 6G cho thế hệ mạng di động tiếp theo sẵn sàng vào năm 2029-2030.