Khai thác thủy sản kết hợp trồng rừng tại Nông trại du lịch Người Giữ Rừng, xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại.
Hệ sinh thái đa dạng
Bến Tre chỉ cách TP. Hồ Chí Minh hơn 80km, thiên nhiên ưu đãi với nhiều vườn cây trái sum xuê, sông nước hữu tình và hệ sinh thái đất ngập nước, đặc trưng là rừng ngập mặn, có hệ động vật, thực vật đa dạng và phong phú.
Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng (QLRPH&ĐD) tỉnh trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị đang quản lý diện tích rừng nằm trên 3 huyện ven biển của tỉnh Bến Tre: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Tổng diện tích tự nhiên được giao quản lý là 7.178,76ha. Trong đó, đất rừng hiện có là 4.195,66ha, chiếm 58,45%/tổng diện tích; diện tích chưa có rừng 2.983,1ha, chiếm 41,55%/tổng diện tích.
Với hệ sinh thái đất ngập nước, đặc trưng rừng tại tỉnh là rừng ngập mặn. Hệ động vật, thực vật đa dạng và phong phú, có các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, mang đặc trưng của vùng rừng ngập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long; có những bãi biển mang nét nguyên sơ, các cồn và rừng ngập mặn ven biển, hệ thống sông, rạch chia cắt tạo nên các cồn phía trong, với khung cảnh hoang dã, thú vị.
Khi đến tham quan rừng, du khách có cơ hội tìm hiểu nhiều điểm đặc sắc, riêng biệt của thiên nhiên miền Tây Nam Bộ như: sự có mặt của hơn 88 loài thực vật; khoảng 80 loài chim (cò, vạc, cồng cộc, diệc xám, quắm trắng, le le…). Cùng nhiều loài động vật hoang dã như trăn, rắn, sóc, chồn, dơi, kỳ đà… Bên cạnh đó, thành phần thủy sinh vật có 226 loài thuộc 7 lớp, 5 ngành thực vật phiêu sinh; 105 loài động vật phiêu sinh thuộc 8 nhóm; khu hệ cá có 117 loài cá thuộc 28 họ, nằm trong 15 bộ. Ngoài ra còn một số loài thuộc nhóm nhuyễn thể, giáp xác khác. Đặc thù rừng ở Bến Tre là rừng ngập mặn và rừng phi lao. Chủng loài rừng gồm có cây bần, cây đước, cây đưng, mắm trắng và cây dương.
Giám đốc Ban QLRPH&ĐD tỉnh Bùi Quốc Thống cho biết: “Về mô hình sinh kế, người dân gắn với rừng, đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có mô hình nào được áp dụng. Do đó, đơn vị tiến hành thực hiện “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí trong rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2030”. Hiện Ban Quản lý QLRPH&ĐD tỉnh (chủ đầu tư) và đơn vị trúng thầu đã ký hợp đồng để xây dựng đề án theo chủ trương UBND tỉnh đã phê duyệt”.
Những vấn đề đặt ra
Quá trình xây dựng “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí trong rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2030” đưa ra một số nguyên tắc phát triển du lịch. Không chỉ tuân thủ các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam, việc phát triển du lịch còn phải phù hợp với các chính sách, định hướng, chiến lược quốc gia, ngành và địa phương về phát triển du lịch, lâm nghiệp, đa dạng sinh học và phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định của Điều 14, 15, 23, 24 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Việc mở ra hướng cho người dân tham quan rừng, khai thác thế mạnh tài nguyên rừng cũng cần đảm bảo góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học của toàn khu rừng; góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các bên liên quan và khuyến khích các bên liên quan tham gia vào các hoạt động bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan và các loài động, thực vật hoang dã.
Bên cạnh đó, vấn đề khai thác du lịch dưới tán rừng phải gắn với phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng, giúp phát triển kinh tế, tạo việc làm cho cộng đồng sống trong rừng và ở vùng đệm từ các hoạt động du lịch sinh thái để khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động bảo tồn thiên nhiên, phát triển rừng. Mang lại nguồn tài chính phục vụ cho công tác bảo tồn và phát triển các điểm đến du lịch trên diện tích quản lý.
Ở góc độ làm du lịch gắn với khai thác tài nguyên rừng, Nông trại du lịch Người Giữ Rừng tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại có nhiều năm kết hợp giữa thủy sản nuôi tự nhiên và du lịch trải nghiệm rừng ngập mặn, giúp người trồng rừng nâng cao thu nhập và động lực phát triển kinh tế rừng. Bà Trịnh Thị Ngọc Hiện – Chủ Nông trại du lịch Người Giữ Rừng chia sẻ: “Điều chúng tôi mong muốn đầu tiên là phải giữ được rừng. Vì đây là nguồn tài nguyên để người dân bám vào kiếm nguồn sống. Kế đó là tỉnh cần có đề án định hướng phát triển du lịch dưới tán rừng một cách cụ thể về cơ chế, về quy hoạch, quy định chung cho những hộ làm du lịch, để người làm du lịch thống nhất với nhau, không ai tự phát, xé rào, đảm bảo công bằng trong quá trình kinh doanh”.
Được biết, trong năm 2022, tình hình xói lở bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, gây thiệt hại rừng nghiêm trọng. Cụ thể, diện tích rừng bị thiệt hại trong năm 2022 trên địa bàn 3 huyện với diện tích 22,57ha (Bình Đại 7,18ha, Ba Tri 4,50ha, Thạnh Phú 10,89ha). Cũng trong năm 2022, qua tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, ngành chức năng đã phát hiện và ngăn chặn 5 trường hợp vi phạm đến rừng và đất rừng, giảm 5 vụ so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: 1 vụ phá rừng với diện tích 290m2 trên địa bàn huyện Thạnh Phú, 4 vụ đào đắp đất rừng tổng diện tích đất rừng bị tác động là 6.055,5m2 trên địa bàn huyện Ba Tri.
Về văn hóa khu vực 3 huyện biển còn có các làng nghề truyền thống gắn với văn hóa bản địa như: làng nghề làm muối Bảo Thạnh, làng nghề khô xã An Thủy (nay là thị trấn Tiệm Tôm), làng nghề bánh phồng Phú Ngãi… đang được nhiều du khách quan tâm đến tham quan, trải nghiệm. |
Bài, ảnh: Thạch Thảo