Dự kiến, vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới, tập trung vào lĩnh vực năng lượng, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh…
Dự kiến, vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới, tập trung vào lĩnh vực năng lượng, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh…
Việt Nam và Mỹ còn rất nhiều tiền năng hợp tác phát triển. Trong ảnh: Sản xuất tại Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Ford Hải Dương |
Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng
Tuần tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tiếp đoàn doanh nghiệp Mỹ đến làm việc tại Việt Nam, trong số này có Nvidia – tập đoàn chuyên về lĩnh vực chuyển đổi số, điện toán đám mây, Internet vạn vật…
Những chuyến viếng thăm của doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam dày đặc hơn, nhất là sau khi 2 nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023. Dòng vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam nhiều hơn, hợp tác doanh nghiệp 2 nước mở rộng nhiều lĩnh vực.
Trong chuyến thăm của phái đoàn 50 doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam tháng 3 năm nay, US-EXIM Bank (Mỹ) đã ký bản ghi nhớ trị giá 500 triệu USD với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Hợp tác giữa US-EXIM Bank với VDB được kỳ vọng tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam, đặc biệt liên quan đến chuyển đổi kinh tế xanh, các dự án phát triển hạ tầng và liên quan đến khí hậu.
Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai, là thị trường xuất khẩu lớn nhất, là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Còn Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Kim ngạch hai chiều tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và đạt kỷ lục trong năm 2024, khi 10 tháng đã đạt 110,9 tỷ USD. Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đánh giá, Việt Nam có vai trò quan trọng về thương mại, có vị trí chiến lược trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, là đối tác quan trọng của Chính phủ và doanh nghiệp Mỹ. Một trong những ưu tiên lớn nhất của Mỹ tới đây là nâng cao hiệu quả mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
“Sự hợp tác giữa hai nước và mối quan hệ đối tác của các doanh nghiệp đang sôi động, mạnh mẽ hơn bao giờ hết, mang lại lợi ích thực sự cho người dân 2 nước. Trong hơn một thập kỷ qua, kim ngạch thương mại 2 nước tăng 4 lần, từ 30 tỷ USD lên 120 tỷ USD”, ông Antony Blinken nói.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bất chấp những biến động của kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 35 trong top 40 nước có quy mô kinh tế hàng đầu thế giới; top 20 nước về thu hút đầu tư nước ngoài và top 20 về kim ngạch xuất nhập khẩu trên thế giới.
Nền kinh tế Việt Nam duy trì sự ổn định, tăng trưởng GDP ở mức khá cao, năm 2023 đạt 5% và dự kiến năm 2024 đạt trên 7%. Trong thành tựu kinh tế nói trên, có đóng góp tích cực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến từ Mỹ.
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các doanh nghiệp Mỹ hiện đầu tư vào Việt Nam hơn 11 tỷ USD. Dự kiến FDI từ Mỹ sẽ tăng nhờ quan hệ hợp tác 2 nước đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất.
Khẳng định thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam có một phần đóng góp không nhỏ của doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là con số hơn 11 tỷ USD vốn FDI từ Mỹ, song Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, con số này còn khiêm tốn so với tiềm năng quan hệ 2 nước và tiềm năng của doanh nghiệp Mỹ.
“Việt Nam mong muốn doanh nghiệp Mỹ đầu tư mạnh vào các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng bền vững, đồng thời đề nghị Chính phủ Mỹ bỏ hạn chế về xuất khẩu công nghệ cao, công nhận nền kinh tế thị trường cho Việt Nam. Tháo gỡ được nút thắt này mới thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ, mang lại lợi ích lớn hơn cho người dân, doanh nghiệp hai nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với việc nâng cấp quan hệ và sự thay đổi chính quyền tại Mỹ, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) Joseph Uddo cho rằng, đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam tiếp tục cải thiện khung chính sách, thu hút thêm nhà đầu tư mới, cũng như hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam tiếp tục phát triển.
Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, để tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng, trọng tâm của Việt Nam là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm nút thắt về thể chế, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
“Việt Nam đang sửa Luật Điện lực, tiếp tục đầu tư năng lượng, chuyển từ nhiệt điện than sang điện hạt nhân. Các doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam không phải lo thiếu điện”, Thủ tướng nói.
Việt Nam cũng đang xây dựng trung tâm dữ liệu lớn quốc gia, kết nối với quốc tế. Quá trình xây dựng này cần sự hỗ trợ của các tập đoàn công nghệ Mỹ. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp đại diện một số tập đoàn lớn của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng, vệ tinh vũ trụ và công nghệ gồm AES, Pacifico Energy, SpaceX và Google. Theo đó, SpaceX – tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp tàu vũ trụ, dịch vụ phóng vệ tinh và truyền thông vệ tinh, dự kiến đầu tư vào Việt Nam 1,5 tỷ USD trong thời gian tới.
“Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp Mỹ hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuỗi cung ứng toàn cầu”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng bày tỏ, để tăng cường quan hệ hợp tác trong giai đoạn tới, kỳ vọng Việt Nam và Mỹ tiến tới đàm phán FTA song phương, tiếp tục xây dựng khung khổ pháp lý để thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp 2 nước.
Nguồn: https://baodautu.vn/tiem-nang-lon-trong-hop-tac-doanh-nghiep-viet—my-d231201.html