ĐBSCL có tiềm năng, lợi thế rất lớn để khai thác kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Để khai thác được tiềm năng này, cần thu hút được các doanh nghiệp lớn vào cuộc.
Kinh tế tuần hoàn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là xu thế tất yếu của thế giới. Trong đó, vùng ĐBSCL có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế tuần hoàn như tận dụng phụ phế phẩm từ tôm, cá tra, lúa, cây ăn quả, chất thải chăn nuôi…
Xoay quanh vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã có một số phân tích với Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Theo ông Quân, hiện nay, Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) đã nghiên cứu, sử dụng enzyme để thu hồi protein trong xác, vỏ tôm; sử dụng công nghệ sinh học để xử lý bùn thải làm phân bón vi sinh hay ứng dụng công nghệ tuần hoàn, tái sử dụng nước thải trong sản xuất chitin chất lượng cao bằng phương pháp hóa sinh.
Từ năm 2008, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (tỉnh Đồng Tháp) cũng đã xây dựng thành công chương trình “Trang trại xanh”, có quy trình nuôi trồng – sản xuất cá tra khép kín. Doanh nghiệp này có thể kiểm soát từ giống, nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, sản xuất, tiếp thị, bán hàng…, đảm bảo không bỏ đi bất cứ bộ phận nào của con cá tra như da, mỡ, nội tạng – những thứ được xem là phế phẩm trước đây. Ngoài sản phẩm fillet cá tra, doanh nghiệp tận dụng mỡ cá để sản xuất dầu cá, da làm da cá chiên giòn, collagen, gelatin từ bong bóng và bao tử cá đông lạnh.
Với cây dừa, vùng ĐBSCL cũng có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế tuần hoàn như đa dạng các sản phẩm từ dừa; mô hình trồng dừa kết hợp với các ngành khác (du lịch, trồng trọt); trung hòa carbon; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa – xã hội…
Như tại tỉnh Bến Tre hiện có trên 79.000ha dừa. Các nhà nghiên cứu tính toán, ước tính trung bình 1ha dừa ở Bến Tre có thể lưu giữ từ 25 – 75 tấn CO2. Bên cạnh đó, có thể thu gom các bộ phận của cây dừa như tàu lá dừa, vỏ xơ dừa kết hợp với phân gia súc, gia cầm để ủ hoai mục làm phân bón hữu cơ.
Ở giai đoạn sơ chế, chế biến, phần phụ phẩm của cơm dừa sau khi trải qua công đoạn vắt ép lấy nước cốt dừa để làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm có thể kết hợp với các phụ liệu khác để tiếp tục tạo ra sản phẩm khác.
Hay xác bã dừa có thể làm nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở chế biến thức ăn thủy sản. Riêng phần gáo dừa có thể trở thành mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, tỉnh Bến Tre đã cho ra đời sản phẩm đất sạch từ mụn dừa, vừa làm phân bón hữu cơ, vừa có thể làm giá thể phục vụ trồng trọt. Như vậy, có thể khẳng định nếu tận dụng và phát huy tốt quy trình kinh tế tuần hoàn, cây dừa và các sản phẩm từ dừa có thể giúp nông dân, doanh nghiệp gia tăng giá trị rất nhiều lần.
Chốt lại vấn đề, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân cho rằng, việc phát triển công nghệ chế biến, hỗ trợ các doanh nghiệp hay những ý tưởng khởi nghiệp trong nông nghiệp có thể gắn kết với mô hình kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL cần nâng cao năng lực, phát huy vai trò các HTX, kết nối nông dân để thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp lớn, tiến tới xây dựng các chương trình hợp tác, phát triển kinh tế tuần hoàn với các địa phương lân cận, đặc biệt là TP.HCM.
“ĐBSCL cần thiết lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chương trình, kế hoạch tại địa phương nhằm thu hút và phát huy các nguồn lực khác nhau. Có thể kể đến như chương trình nông thôn mới, OCOP, nông nghiệp hữu cơ, tiêu dùng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
Trong đó, cần tích hợp giữa các ngành, lĩnh vực; tích hợp không gian liên kết giữa địa phương, vùng với lộ trình thời gian cụ thể; huy động tối đa nguồn lực. Cần có những thí điểm đột phá để giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong phát triển kinh tế tuần hoàn”, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân nói.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/tiem-nang-lon-kinh-te-tuan-hoan-trong-nong-nghiep-vung-dbscl-d387995.html