Lợi thế phát triển du lịch của các công trình kiến trúc Pháp thuộc tại TP HCM được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia và thành phố là gì? (Tiên Nguyễn, TP HCM)
Trả lời:
Về lợi thế, theo tôi, các di tích kiến trúc thời Pháp thuộc tại TP HCM (di tích quốc gia và di tích cấp thành phố) đều không phải là những tàn tích hay phế tích. Tất cả công trình nổi bật này đều đang tồn tại và hoạt động. Nói cách khác, đây là những di sản sống, hòa nhập vào cuộc sống đô thị đương đại. Do đó, đây là lợi thế rất lớn.
Tiếp theo, đa số di tích đều tọa lạc tại trung tâm thành phố, giúp kết nối dễ dàng với các điểm du lịch hấp dẫn.
Lợi thế thứ ba là gần như tất cả công trình đều do nhà nước quản lý nên có điều kiện thuận lợi để triển khai giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích này.
Để phát huy được tiềm năng của những di tích này, chúng ta cần nghiên cứu áp dụng các công cụ quản lý khai thác du lịch di sản. Trên thế giới đã có nhiều bài học thực tiễn thông qua 3 nhóm công cụ.
Đầu tiên, phải đưa ra giải pháp gia tăng lượng khách du lịch đến công trình di sản. Để làm được điều này, chúng ta phải tính toán được quy mô cũng như khả năng tiếp nhận lượng khách tối đa đến công trình rồi tiến hành phân phối chức năng du lịch trong công trình di sản. Tiếp theo, chúng ta phải lập được sơ đồ hướng dẫn tham quan để đón lượng khách hợp lý. Cuối cùng là thống kê, dự báo được lượng khách tới.
Thứ hai là áp dụng kỹ thuật để phát huy được giá trị công trình. Cần lập lộ trình tham quan và diễn giải cụ thể, chi tiết, hấp dẫn dưới nhiều kịch bản khác nhau để phục vụ tất cả nhóm khách. Chúng ta phải cung cấp thêm những công cụ hỗ trợ như tài liệu, trụ tương tác thông tin công trình, thiết bị tham quan thực tế ảo… Không gian dịch vụ công cộng trong di tích như khu giải khát, quầy hàng lưu niệm cũng cần được đầu tư hơn. Đồng thời, cần chú trọng phát triển tour du lịch đêm và chiếu sáng mỹ thuật vì một số địa điểm như UBND Thành phố hay Bưu điện Thành phố ban ngày có chức năng hành chính, nghiệp vụ nên phân khu tham quan bị giới hạn. Do đó, đón khách tham quan vào ban đêm sẽ giúp kích hoạt gia tăng lượng khách tiềm năng đến các công trình này. Nên tổ chức thêm các sự kiện, triển lãm, hoạt động văn hóa ngắn ngày tại di tích. Từ đây có thể thu hút công chúng tới xem và tăng giá trị công trình.
Cuối cùng, công tác truyền thông và quảng bá du lịch rất quan trọng để phát huy được giá trị di sản, gắn kết với các hoạt động đã thực hiện.
TS, KTS. Phạm Phú Cường
Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc TP HCM
Cuộc thi Thiết kế mô hình check-in và biểu tượng vui du lịch TP HCM do UBND TP HCM chỉ đạo, Sở Du lịch TP HCM phối hợp cùng Báo VnExpress tổ chức. Cuộc thi tìm kiếm, lựa chọn những ý tưởng thiết kế mô hình check-in và biểu tượng du lịch độc đáo, mang thông điệp về văn hóa, lịch sử và con người địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới với dấu ấn riêng, góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho thương hiệu du lịch Thành phố.
Các tác giả có thể gửi tác phẩm dự thi theo 2 hạng mục: Thiết kế mô hình check-in du lịch TP HCM; Thiết kế biểu tượng vui du lịch TP HCM.
Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên tới 630 triệu đồng. Đặc biệt, các tác phẩm đoạt giải sẽ được xem xét để triển khai xây dựng thực tế và sử dụng trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, phục vụ công tác phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, công tác đối nội, đối ngoại của TP HCM.
Tìm hiểu thêm tại đây.