Ẩm thực Sài Gòn rất đa dạng và phong phú. TP.HCM là nơi tập trung dân quê tứ xứ. Dù đã gắn bó với vùng đất mới đã lâu, những người con xa quê vẫn luôn tìm kiếm hương vị quê nhà dân dã, bình dị. Đó cũng là lý do mà ở TP này ta dễ bắt gặp những quán ăn bán đặc sản các vùng miền.
Lẩu cù lao trứ danh miền Tây sông nước |
Gia Thanh |
“Đam mê quá rồi nên liều thôi”
Là người gốc Bắc, nhưng gần 5 năm sống ở TP.HCM, tôi có cơ hội được nếm thử hương vị của vùng sông nước miền Tây và rồi mê mệt lúc nào không hay. Bởi thế, nghe phong thanh về một quán lẩu cù lao giữa lòng thành phố, tôi không chần chừ chạy xe đến tiệm vào một chiều mưa gió.
Tiệm lẩu cù lao nằm trên đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh) nổi bật với tấm bạt đỏ thông báo “hoạt động bình thường” dù có công trình đang xây kế bên. Tiệm có hai khu trong và ngoài với số lượng gần 200 bàn và mang nét đặc trưng của ẩm thực đường phố với cách trang trí đơn giản.
Mỗi ngày quán bán từ 400 – 500 nồi lẩu |
Gia Thanh |
Quán còn có các món ăn kèm như gỏi ngó sen tôm thịt, chả giò và bì cuốn |
Gia Thanh |
Chủ quán là chị Nguyễn Diễm My (30 tuổi), dáng người nhỏ nhắn, thân thiện và nhiệt tình. Chị My quê gốc ở đất mũi Cà Mau và đã sống ở TP.HCM khá lâu. Người con miền sông nước bắt đầu lập nghiệp ở thành phố và nhanh chóng lên được vị trí trưởng nhóm kinh doanh cho một công ty môi giới việc làm.
“Lương của tôi dao động từ 15 – 20 triệu đồng/tháng, đỉnh điểm vào mùa tuyển dụng có thể lên đến 30 – 40 triệu đồng. Với mức thu nhập như vậy, cuộc sống của tôi khá ổn định và có thể lo cho gia đình”, chị My chia sẻ.
Khi em trai lên học đại học, chị My cũng thuyết phục ba mẹ chuyển lên TP.HCM. Phần vì cha mẹ lớn tuổi ở quê chị không an tâm, phần vì chị đang ấp ủ kế hoạch thay đổi. Đó là bỏ việc để mở quán bán các món ăn của miền Tây.
Ban đầu, nghe con gái nói vậy, ba mẹ chị từ chối. Công việc ổn định với mức lương không phải thấp là mơ ước của biết bao người. Bỏ việc chỉ để mở quán lẩu há chẳng phải phí công học hành bao năm.
Lẩu cù lao có đến hơn 10 loại nguyên liệu cùng nước dùng hầm từ xương heo và nước dừa |
Gia Thanh |
Bà Huệ (57 tuổi) mỗi ngày cuốn khoảng 240 cuốn bì phục vụ khách |
Gia Thanh |
“Tôi cố gắng thuyết phục ba mẹ rất nhiều lần. Công việc ổn nhưng môi trường văn phòng khiến tôi cảm thấy bí bách, nhàm chán và mất đi hứng thú. Thêm nữa, tôi rất thích nấu ăn và mong muốn đem hương vị quê hương lên thành phố. Đam mê quá rồi nên liều thôi”, chị My cười nói.
Nói là làm, cô gái trẻ bắt tay thực hiện ước mơ của mình. Nhìn thấy con gái thật sự đam mê, ba mẹ chị quyết định rời quê nhà lên thành phố. Mẹ chị cũng là người đứng bếp chính với tay nghề nấu nướng mấy mươi năm nơi miệt vườn. Tôi muốn hỏi cô vài điều, nhưng là người quê còn ngại nên cô từ chối.
Poll TNO
Vì sao lẩu cù lao có tên gọi độc đáo như vậy?
Bán hàng trăm nồi lẩu mỗi ngày
Thực đơn của tiệm lẩu có 3 món chính: lẩu mắm, lẩu thái và lẩu cù lao. Bên cạnh đó, tiệm còn có các món ăn khai vị như gỏi ngó sen tôm thịt, chả giò và bì cuốn.
Quán có hơn 40 nhân viên, chia theo ca làm việc |
Gia Thanh |
Mỗi ngày, quán bán ra từ 400 – 500 nồi lẩu. “Khách muốn ăn lẩu cù lao thì phải đến sớm hoặc đặt trước. Quán bán 1 nồi cho 2 – 3 người ăn giá 159.000 đồng. Giá này tôi đã bán từ trước dịch Covid-19 đến bây giờ vẫn không đổi dù giá cả nguyên liệu giờ tăng cao. Tôi bán lấy số lượng làm lời. Khách đến đây chủ yếu là học sinh, sinh viên và gia đình nên giá cả bình dân sẽ phù hợp với tất cả mọi người”, chị My cho biết.
Điều đặc biệt ở quán là không sử dụng bếp gas hay bếp cồn mà sử dụng nồi cù lao chỉ có ở miền Tây. Nồi có thiết kế với ống nhôm ở giữa để chứa than. Nhiệt từ than sẽ làm nóng nước lẩu từ từ, chậm rãi và duy trì nhiệt độ ổn định giúp nước dùng không cô đặc lại.
Ngoài lẩu cù lao, quán còn có lẩu thái và lẩu mắm |
Gia Thanh |
Chiếc nồi cù lao đặc trưng của miền Tây |
Gia Thanh |
Với lượng khách đông, quán có đến hơn 40 nhân viên làm việc theo ca từ sáng đến tối. Đa số nhân viên là người miền Tây. Sinh viên thì chủ yếu làm phục vụ, chạy bàn còn các cô lớn tuổi phụ trách bếp. Quán còn có riêng một đội gồm 5 – 7 người đốt than liên tục để châm vào các nồi lẩu.
“Số lượng khách rất là đông, nhất là giờ cao điểm từ 6 – 8 giờ tối. Nhân viên ở quán đã bố trí nhiều như vậy nhưng vẫn khó nhanh chóng ra món được cho khách. Rất nhiều hôm chúng tôi phải ngưng nhận khách từ 20 – 30 phút. Tôi hy vọng khách hàng có thể thông cảm điều này. Một số công ty du lịch đề nghị dẫn khách đoàn đến đây trải nghiệm ẩm thực miền Tây nhưng tôi từ chối vì với sức mình hiện tại không thể đáp ứng thêm được”, chủ quán bày tỏ.
Giờ cao điểm, quán phục vụ cùng lúc gần 200 bàn |
Gia Thanh |
Chị Bảo Trân (20 tuổi, từng đến quán nhiều lần) chia sẻ: “Về đồ ăn thì tương đối đầy đủ, rau hơi ít. Tôi thường ăn lẩu mắm với lẩu thái, 1 lẩu 2 người bình thường ăn là bao no. Về nước lẩu khá bình thường, đậm đà đủ vị, giống các quán khác chứ chưa có vị đặc trưng. Không gian quán thoáng mát nhưng lúc nào cũng đông đúc. Giá tạm ổn so với chất lượng món ăn. Tôi vẫn sẽ ghé lại”.