SGGP
Những khó khăn của doanh nghiệp ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ, và nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhen nhóm.
Nhân viên một ngân hàng đang kiểm tra tiền gửi tiết kiệm của khách hàng (ảnh minh họa). Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ngày 21-6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, điều hành chính sách của NHNN hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải đảm bảo đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc. Cụ thể, trong điều hành tín dụng năm 2023, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14%-15% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tính đến ngày 15-6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, điều rất đáng chú ý hiện nay là nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, sản phẩm tồn kho nhiều, nguồn tài chính đứt đoạn, giá cả nguyên vật liệu nhiều mặt hàng tăng, sức mua trong và ngoài nước đều suy giảm… Những khó khăn của doanh nghiệp ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ, và nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhen nhóm.
NHNN sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.