5 mối đe doạ lớn trên không gian mạng
Tỷ lệ trẻ em được tiếp cận các thiết bị có kết nối mạng ngày càng tăng. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của internet, vẫn còn đó nhiều nguy hiểm, cạm bẫy khó nhận biết để trẻ tự phòng tránh như truy cập vào những nội dung xấu, thông tin giả; bị bắt nạt, dụ dỗ trên mạng xã hội; có nguy cơ nghiện sử dụng mạng xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập và sinh hoạt hằng ngày…
Nói về thực trạng trẻ em sử dụng internet, bà Đinh Thị Như Hoa – Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, theo thống kê mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), 82% trẻ em Việt Nam từ 12 – 13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 – 15 là 93%.
“Trong báo cáo rất nhiều số liệu khiến tôi giật mình, liên quan đến các hình thức xâm hại trẻ em, bị dụ dỗ cho tiền, cho quà để đổi lấy những hành vi tình dục. Có một số liệu rất đang lo ngại đó là, đa phần trẻ khi bị xâm hại, hay có những hành vi quấy rối trên môi trường mạng thường không nói với ai, nếu có chỉ nói với bạn bè chứ không hề chia sẻ với bố mẹ, hay thầy cô – điều này cho thấy sự gắn kết để sẵn sàng chia sẻ của trẻ em là vô cùng hạn chế”, bà Như Hoa nói.
Bà Đinh Thị Như Hoa chỉ ra 5 nguy cơ, mối đe dọa lớn cho trẻ em trên không gian mạng, đó là: Tiếp cận với những nội dung độc hại làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ; bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện Internet; bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.
Cũng theo khảo sát của UNICEF năm 2022, 23% trẻ em cho biết đôi khi các em vô tình thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm quảng cáo trên mạng. Trên thực tế, nội dung khiêu dâm có ở khắp nơi, vì vậy việc chặn các trang web khiêu dâm là không đủ và không hiệu quả.
Theo bà Hoa, tình trạng trẻ tiếp xúc với rất nhiều những nội dung, chương trình không phù hợp trên các nền tảng mạng xã hội phần lớn là do bố mẹ đang cho con sử dụng thiết bị cùng với mình.
Bên cạnh đó, một trong số những mối nguy hại tác động tới trẻ em là tình trạng phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ trên môi trường mạng. Trong đó, chính bố mẹ lại là người chia sẻ thông tin, hình ảnh con mình một cách vô tư không kiểm soát trên mạng xã hội, việc này có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ em.
Bà Như Hoa cho biết, qua phân tích các ca cụ thể cho thấy, nếu không may trẻ bị nghiện internet thì việc hỗ trợ các em đang rất khó khăn, bởi nó liên quan tới nhân lực, thời gian, cũng như việc các em có thể giảm sự phụ thuộc vào việc sử dụng Internet và mạng xã hội hay không?
“Thực trạng hiện hữu này gióng lên hồi chuông cảnh báo về vành đai nhận thức của chính những người làm cha làm mẹ đang chưa đúng, thậm chí ở nhiều gia đình, những thiết bị thông minh cùng các chương trình trên nền tảng mạng xã hội đã trở thành “bảo mẫu số” của trẻ”, bà Hoa nhận định.
Cha mẹ phải là người “gác cổng”
Theo Bộ Công an, trong quý I/2023, lực lượng công an đã xác minh, xử lý 135 vụ việc xâm hại trẻ em có yếu tố liên quan đến môi trường mạng, ngăn chặn hàng chục nghìn bài viết, trang mạng có nội dung độc hại đối với trẻ em trên môi trường mạng.
Theo nhận định của các đơn vị liên quan, vấn đề xâm hại trẻ em và người chưa thành niên trên môi trường mạng đang diễn ra phức tạp, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội về bảo vệ trẻ em đã và đang có nhiều nỗ lực để ngăn chặn. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc tính phức tạp của môi trường mạng cũng như hạn chế về nhận thức của người dùng thực tế cho thấy công tác này còn nhiều khó khăn, thách thức.
Bà Đinh Thị Như Hoa cho biết, Bộ TT&TT và Bộ Công an, đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tán phát thông tin xấu, độc trên MXH như Facebook, Youtube… tạo môi trường lành mạnh cho trẻ cũng như đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số, nội dung trên môi trường mạng thực thi qui định pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ trẻ em. Đồng thời, tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, chặn lọc, gỡ bỏ nội dung không phù hợp với trẻ em.
Năm 2021, mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được thành lập với sự tham gia của 24 đơn vị bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Hiện tại mạng lưới này vẫn đang hoạt động rất tích cực.
“Việc chủ động cập nhật xu hướng công nghệ hỗ trợ, bảo vệ trẻ em có vai trò vô cùng quan trọng. Do đó, với chức năng là cơ quan điều phối của mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Cục An toàn thông tin đang tiếp tục vận hành website: https://vn-cop.vn/ với mục đích truyền thông, lan tỏa các kỹ năng, kiến thức về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, bà Hoa cho hay.
Thông tin về trang web này, bà Như Hoa chia sẻ, website bao gồm tính năng “Mạng lưới” nhằm giới thiệu chức năng, nhiệm vụ, quá trình thành lập, các thành viên thuộc Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Trang web cũng cung cấp tính năng “Tài liệu” nhằm chia sẻ các ấn phẩm truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng kinh nghiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, trang web cũng bao gồm các tính năng khác như: “Hỏi đáp” giúp người dùng có thể đặt câu hỏi để được giải đáp về vấn đề để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; “Bày tỏ nguyện vọng” để trẻ em và người dân thông qua website có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình.
Cuối cùng, website cũng cung cấp những công cụ, phần mềm hữu ích giúp trẻ em tham gia tương tác lành mạnh trên môi trường mạng cũng như có thể “báo cáo xâm hại”, tiếp nhận các báo cáo hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
“Đây được coi là một kênh tham khảo ý kiến đối với cơ quan nhà nước trong việc tham mưu chính sách phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân, đặc biệt với đối tượng trẻ em”, bà Hoa cho hay.
Ngoài ra, theo bà Như Hoa, các cơ quan truyền thông, báo chí cần đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi đăng tin, bài về trẻ em; các doanh nghiệp cần khuyến khích việc xây dựng các ứng dụng, phần mềm hay các nền tảng, trò chơi trực tuyến tạo là sân chơi bổ ích cho trẻ em, giúp trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên không gian mạng.
Bà Đinh Thị Như Hoa cho rằng, bên cạnh hành lang pháp lý gồm những quy định từ Nghị định đến Thông tư, các giải pháp về công nghệ thì giải pháp quan trọng nhất vẫn là tăng cường vai trò của gia đình và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn; biết cách sử dụng các tiện ích, ứng dụng cũng như nhận biết những thông tin, video clip độc hại, không phù hợp.
“Hơn ai hết, cha mẹ chính là những người “gác cổng”, “lá chắn” cho trẻ nên cần chủ động tìm hiểu, áp dụng các giải pháp về công nghệ để kiểm soát thông tin cá nhân của trẻ, giúp con em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng”, bà Như Hoa nhấn mạnh.
Hoà Giang