Phân loại rác tại nguồn là một trong những hoạt động thiết thực, góp phần cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường và chống biến đổi khí hậu. Những năm qua, đi đôi với phát triển kinh tế bền vững, TP Cần Thơ quan tâm xây dựng các mô hình và tăng cường hợp tác để đưa phân loại rác tại nguồn đi vào đời sống…
Theo Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các nghiên cứu quốc tế chỉ ra, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều trên thế giới với khoảng 0,3-0,8 triệu tấn/năm. Trong đó, chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom, phân loại, chủ yếu bởi những người nhặt rác và được tái chế bởi những doanh nghiệp nhỏ. Ước tính mỗi năm có khoảng 0,28-0,73 triệu tấn rác nhựa thải ra biển. Do vậy, việc có các biện pháp phân loại rác thải hợp lý, triệt để từ trong các gia đình, kết hợp với các hình thức giảm rác thải nhựa khác như dùng các sản phẩm tái chế, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần… sẽ giúp giảm gánh nặng cho hệ thống thu gom xử lý rác thải, tránh thất thoát ra môi trường gây ô nhiễm không khí, đất và nước. Về lâu dài, điều này sẽ giúp duy trì và tạo nền tảng cho một nền kinh tế phát triển bền vững không chỉ của địa phương mà là của quốc gia.
NCT TP Cần Thơ tham gia tích cực phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn |
Nhận thức rõ tầm quan trọng của phân loại rác tại nguồn, thời gian qua, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều chương trình, dự án liên quan công tác phân loại rác tại nguồn. Ðiển hình là Sở TN&MT TP Cần Thơ phối hợp Tổ chức JICA thực hiện mô hình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn ở quận Ninh Kiều. Mô hình phân loại rác thải tại nguồn được thực hiện tại 3 phường: An Cư, Tân An và Cái Khế. Rác thải sinh hoạt hằng ngày của các hộ dân được hướng dẫn phân loại tại nhà thành các loại như rác tái chế, rác đốt được, rác không đốt được và rác nguy hại. Triển khai từ tháng 4/2021 đến nay, mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo thói quen phân loại rác tại nhà cho người dân. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, 60 tuổi, ở phường Tân An, quận Ninh Kiều chia sẻ: Ban đầu, khi mới thực hiện phân loại rác tại nhà gia đình khá lúng túng vì phải phân rác thải theo 3 loại như hướng dẫn. Song, sau một thời gian thực hiện, gia đình dần quen và cảm thấy hữu ích, góp phần giảm cực nhọc cho công nhân môi trường khi đỡ khâu phân loại rác. Gia đình cũng vận động người thân thực hiện phân loại rác, chung tay xây dựng thành phố sạch, đẹp!
Mới đây, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) đã làm việc với Sở TN&MT TP Cần Thơ về hợp tác thực hiện mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn và sản xuất phân bón hữu cơ khu vực nông thôn. Sau thời gian thực hiện, dự án đạt được kết quả khả quan: hơn 85% người dân ủng hộ phân loại rác tại nguồn, giảm 30-40% lượng rác thải mang đi đốt hoặc chôn lấp. Mặt khác, thời gian qua, WWF Việt Nam đã nhận được các đề xuất đăng ký tham gia của một số đơn vị hợp tác xã và doanh nghiệp tại TP Cần Thơ, trong đó có doanh nghiệp đang có phân xưởng sản xuất phân bón hữu cơ. Đặc biệt, mô hình thành công là nhờ Hội Người cao tuổi các cấp tích cực tham gia và vận động người thân con cháu hưởng ứng thực hiện. Do vậy, WWF Việt Nam mong muốn triển khai thực hiện mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn và sản xuất phân bón hữu cơ khu vực nông thôn tại TP Cần Thơ. Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường, ngăn chặn rác thải ra môi trường và đại dương.
Bên cạnh hợp tác triển khai các chương trình, dự án, để hoạt động phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thành phố tiếp tục đạt hiệu quả cao, đi vào chiều sâu và thiết thực trong cuộc sống hằng ngày của mọi người dân, Sở TN&MT cùng các ban ngành, hội đoàn thể, UBND quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện thói quen hằng ngày trong cuộc sống như phân loại rác thải và triển khai các mô hình phân loại rác; khuyến khích sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường trong sinh hoạt hằng ngày; không ném, vứt rác thải bừa bãi…
Hội NCT xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai thời gian qua, đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao hơn nữa ý thức về bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình phân loại rác tại nguồn. Nhờ vậy, người dân bước đầu hiểu được ý nghĩa của phân loại rác thải tại nguồn để chung sức cùng địa phương làm tốt công tác bảo vệ môi trường…
Hiện công tác phân loại rác tại TP Cần Thơ đang được đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả, mang lại ý nghĩa thiết thực trong công tác quản lý môi trường và đời sống xã hội, dần tạo được ý thức của người dân trong công tác phân loại rác thải. Tuy nhiên, công tác này cần phải được tổ chức tuyên truyền một cách thường xuyên, nhằm tạo thói quen hằng ngày, nâng cao ý thức trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng dân cư trong việc chung tay bảo vệ môi trường…
Thời gian tới, Hội NCT TP cần Thơ phối hợp với Sở TN&MT và các tổ chức chính trị – xã hội, hội đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Trong đó chú trọng tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng chất thải nhựa, túi nylon đối với môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình phân loại rác tại nguồn phù hợp thực tế…
Nguồn: https://ngaymoionline.com.vn/tich-cuc-tham-gia-phan-loai-rac-thai-tai-nguon-de-bao-ve-moi-truong-56716.html