Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) Hà Nội qua từng giai đoạn đã hoàn thành tốt các mục tiêu giáo dục đề ra, góp phần tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thành phố Hà Nội.
Ngày 1/12, Trường PTDTNT Hà Nội tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 30 năm ngày thành lập trường.
Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ: Trong suốt 30 năm qua, Trường PTDTNT Hà Nội đã thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh ở nội trú; thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với giáo viên, nhân viên và học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đảm bảo an ninh, an toàn trường học, xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và xây dựng trường học hạnh phúc. Sở GDĐT Hà Nội ghi nhận, biểu dương, chúc mừng những thành tích mà thầy và trò nhà trường đã đạt được trong 30 năm vừa qua.
Theo Giám đốc Trần Thế Cương, từ ngàn đời nay, dân tộc Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. “Trong lễ kỷ niệm, tôi xin bày tỏ sự trân trọng và xin được tri ân, ghi nhận những đóng góp, tình cảm quý báu của các thầy cô giáo nhà trường đã âm thầm bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp trồng người của Thủ đô, đất nước” – ông Cương nói.
Ông cương cũng chia sẻ với nhà trường về những khó khăn, băn khoăn trăn trở trong nghề mà giáo viên đang gặp phải. Đó là giáo dục luôn đứng trước những kỳ vọng, áp lực của toàn xã hội, của phụ huynh học sinh, đặc biệt là giáo dục ở Thủ đô, áp lực gấp nhiều lần so với các nơi khác. Đó là thu nhập của giáo viên chưa tương xứng, nhất là giáo viên ở các huyện ngoại thành, giáo viên trường PTDTNT. Phải là những người tâm huyết, yêu nghề lắm thì giáo viên nhà trường mới gắn bó được với nghề. Tại đây, học sinh là người dân tộc; học tập, sinh hoạt nội trú. Công tác giảng dạy của trường cũng có những đặc điểm riêng, khác biệt với các trường khác.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà giáo Nguyễn Thành Long – Hiệu trưởng Trường PTDTNT Hà Nội cho biết: Trường PTDTNT Hà Nội, tiền thân là Trường Phổ thông Trung học cấp 2 dân tộc nội trú huyện Ba Vì, được thành lập năm 1994. Năm học đầu tiên, trường có 16 cán bộ, giáo viên, nhân viên, tuyển sinh 3 lớp với 120 em học sinh. Thầy trò nhà trường phải dạy học nhờ tại Trường THPT Vừa học vừa làm Ba Vì (nay là trường THPT Ba Vì), mọi trang thiết bị đều hết sức thiếu thốn. Khó khăn là thế, nhưng với sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành, khát vọng đào tạo lớp người mới cho quê hương của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng sự năng động, nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo của Ban Giám hiệu nhà trường các thời kỳ và tinh thần đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu không ngừng, nhà trường từng bước tháo gỡ khó khăn, xây dựng cơ sở vật chất, củng cố đội ngũ giáo viên, nhân viên, nâng cao chất lượng dạy học.
Sau 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay nhà trường đã có một cơ ngơi khang trang, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và nuôi dưỡng các em học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn 13 xã miền núi của thành phố Hà Nội.
Về xếp loại học tập, hằng năm số học sinh xếp loại Học lực Khá và Giỏi đạt từ 70% đến 75%. Học sinh đạt giải thi học sinh giỏi Quốc gia 1 em; Số học sinh đạt giải trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp TP là 740 em. Kết quả xét tốt nghiệp lớp 9 từ 99% trở lên và sau khi tốt nghiệp 100% các em được xét tuyển vào học lớp 10 THPT tại trường.
Kết quả thi tốt nghiệp lớp 12 đạt từ 98% trở lên, trong đó 5 năm liên tục gần đây số tốt nghiệp đạt 100%. Học sinh tốt nghiệp THPT thì đỗ vào các trường ĐH, CĐ, TCCN hàng năm từ 68% đến 75%.
Với những thành tích đạt được, nhà trường vinh dự và tự hào được Nhà nước 2 lần tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba vào các năm học 2008-2009, 2018-2019, được nhận nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GDĐT, Bằng khen và Cờ thi đua của Chủ tịch UBND Thành phố…
Trong số trên 2.000 học sinh đã trưởng thành từ mái Trường PTDTNT Hà Nội, nhà trường tự hào đã có nhiều học sinh ưu tú thành công trên nhiều lĩnh vực, có nhiều đóng góp cho xã hội và cộng đồng, nhiều học sinh đã trở thành tiến sĩ, nhà khoa học, giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng, nhà giáo, nhà báo, bác sĩ, luật sư, doanh nhân, cán bộ công an, sĩ quan quân đội, cán bộ chủ chốt từ huyện đến địa phương. Một số các em chọn cho mình hướng đi riêng, trở về địa phương tham gia lao động sản xuất, kinh doanh đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Vui mừng hơn khi được đón nhận 9 học sinh cũ nay là cô giáo và nhân viên về trường công tác, sát cánh cùng các thầy cô giao dạy dỗ các thế hệ đàn em…
Nguồn: https://daidoanket.vn/tich-cuc-dao-tao-nguon-nhan-luc-cho-vung-dong-bao-dan-toc-cua-thu-do-10295662.html