Bài, ảnh: THANH MAI
Bằng chí vượt khó, một nông dân ở Ðồng Tháp làm nên kỳ tích khi không chỉ trở thành người khai mở, mà còn vươn lên thành tỉ phú “nông nghiệp tuần hoàn” nơi vùng biên viễn.
Anh Chào (giữa) tham quan ruộng nếp của anh Phương (bìa phải) sử dụng phân trùn quế do Công ty của anh cung ứng.
Trong khó, ló khôn
Cũng như phần lớn nông dân vùng biên viễn huyện biên giới Tân Hồng, anh Nguyễn Văn Chào, 49 tuổi, ở xã Thông Bình, khởi nghiệp với nghề nuôi bò thịt. Tận dụng vùng đất hoang ven biên, anh khai thác cỏ làm thức ăn cho bò. Nhờ chăm chỉ, anh đã “ăn nên làm ra” và đến năm 2004 trở thành “ông chủ” khi sở hữu đàn bò lên đến gần 200 con. Thế rồi, anh như rơi vào bế tắc trước nguồn chất thải từ đàn bò. “Lượng chất thải mỗi ngày rất lớn, kéo theo nạn ô nhiễm…” – anh Chào nhớ lại thời điểm đầy khó khăn ấy bởi ở vùng biên viễn Thông Bình không dễ để bán phân bò như nhiều nơi… Trong lúc khó khăn, anh tìm được lối ra: dùng phân bò nuôi trùn quế lấy phân – một gợi ý khi anh Chào trò chuyện với anh Hồ Văn Lý, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng. Và từ đó, anh bước lên thành chủ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để đi đến thành công là cả chặng đường đầy thách thức. Xuất thân từ nông dân, anh Chào gặp không ít khó khăn khi khởi nghiệp với con giống mới. Cuối năm 2015, anh xây dựng 500m2 chuồng trại chuyên dụng nuôi trùn quế và nhanh chóng thất bại. Do chưa am hiểu sâu, nên sau khi có bất trắc thời tiết, trùn quế hao hụt gần hết. Làng xóm lời ra, tiếng vào nhưng anh không bỏ cuộc, mà tìm cách cải thiện. Nhờ vậy mà anh đã gặt hái thành công. Từ nuôi một vài chuồng nhỏ lẻ, để giải tỏa áp lực chất thải từ trang trại bò, dần dần quy mô nuôi trùn quế lên đến trên 3,5ha, rồi trở thành lập doanh nghiệp cung ứng phân trùn quế.
“Khai mở” nông nghiệp tuần hoàn
Ðể sản phẩm phân trùn quế đi vào thị trường, anh Chào đã chọn hướng đi riêng. Thời gian đầu, nhiều nông dân vẫn còn ngần ngại với cái mới nên có phần e dè. Tuy nhiên, sau khi được sự hướng dẫn chân tình, cộng với “chiến thuật” riêng của anh Chào, nhiều người bắt đầu tin tưởng và sử dụng phân trùn quế “Made in Tân Hồng”.
Không chỉ lặn lội khắp cánh đồng vùng ven biên để giới thiệu sản phẩm, anh Chào còn tặng sản phẩm cho những chủ ruộng dùng thử rồi lấy kết quả sau mùa vụ làm cơ sở thuyết phục ra diện rộng. Chiến thuật này nhanh chóng thu về hiệu quả. Anh Nguyễn Tri Phương ở xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, chia sẻ: “Thoạt đầu tôi dùng thử vì thấy không tốn tiền, nhưng khi xài thấy cây lúa phát triển tốt, khỏe và ít sâu bệnh hơn so với trước đây, mà năng suất lúa vẫn cao nên tôi quyết định áp dụng lên toàn bộ ruộng nhà”.
Khi khẳng định được chỗ đứng của sản phẩm, anh Chào không tiếp tục mở rộng vùng nuôi trùn quế mà chuyển hướng sang liên kết, bao tiêu sản phẩm với các hộ dân có nuôi bò trong khu vực, để dành thời gian tập trung cho sản phẩm và thị trường. Năm 2018, khi thấy thời cơ chín muồi, anh Chào mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Thành Chào, chuyên sản xuất phân bón trùn quế và đầu tư chuyên sâu sản phẩm. Không chỉ nâng cấp sản phẩm phân trùn quế viên chuyên dùng cho cây lúa, anh còn nghiên cứu dòng sản phẩm thủy phân từ trùn quế như dịch trùn quế sử dụng trên cây trồng, dùng trong chăn nuôi thủy sản… Ðến nay, doanh thu từ phân trùn quế đã lên đến 3-5 tỉ đồng/năm.
Ðiều đáng quý hơn ở người tỉ phú này là anh còn mang lại cho quê hương còn nhiều hơn thế. “Không chỉ góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường cho chính mình, mà thông qua việc liên kết cung cấp phân bò, anh còn giúp nhiều địa phương ở Tân Hồng khắc phục được tình trạng mất vẻ mỹ quan vì nạn… phân bò. Ngoài ra, với cách làm linh động của mình, anh Chào còn đặt viên gạch nền cho nông nghiệp tuần hoàn, giúp nông dân tăng lợi nhuận cả về kinh tế lẫn môi trường” – anh Hồ Văn Lý, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng, nói.