Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân – công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), thông tin về kết quả kinh doanh quý I, ông Phùng Quang Hưng – Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và Định chế tài chính thông tin, trong kỳ, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Techcombank đã tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ lên mức gần 1.211 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do quy mô tín dụng tăng và ngân hàng chủ động dùng nguồn dự phòng để xử lý nợ xấu. Theo đó, kết thúc quý I/2024, nợ xấu của Techcombank đi ngang so với năm trước ở mức 1,17%, tỉ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên gần 106%.
Dự đoán về tình hình nợ xấu dự kiến năm 2024, ông Hưng cho rằng nợ xấu sẽ ở mức tương tự kết thúc 2023, đồng thời bày tỏ hy vọng với sự phục hồi của nền kinh tế, hoạt động kinh doanh của khách hàng tốt lên, tỉ lệ này sẽ còn được kiểm soát tốt hơn nữa.
Tại phiên thảo luận, một nhà đầu tư đặt ra câu hỏi, ngân hàng tăng mạnh giải ngân cho vay vào quý IV/2023 tương ứng với mức tăng của số dư nợ xấu có phải nhằm duy trì tỉ lệ nợ xấu không tăng cao hay không? Việc tăng mạnh giải ngân cho vay trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế vĩ mô còn nhiều biến động khó lường tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai, ngân hàng dự kiến kiểm soát rủi ro nợ xấu thế nào?
Ông Hưng cho biết, việc tăng giải ngân cho vay vào quý IV/2023 gần với số tăng của số dư nợ xấu không liên quan đến nhau. Việc phục vụ nhu cầu cá nhân của khách hàng trong kinh doanh luôn có tính mùa vụ. Vào những chu kỳ kinh doanh cuối năm, doanh nghiệp cần vốn nhiều hơn để tăng sản lượng đầu ra phục vụ chu kỳ Tết. Do vậy cuối quý II, đầu quý IV, nhu cầu vốn tăng.
Với khách hàng cá nhân, gần cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, việc sử dụng tín dụng tăng cao. Thường tín dụng quý IV tăng cao hơn quý khác.
Đồng thời, như những năm trước, nhằm phục vụ mục tiêu quản lý tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ dựa vào tình hình thực tế để cấp thêm quota tín dụng vào đầu hoặc giữa quý IV, giúp các ngân hàng phục vụ nhu cầu về vốn tín dụng. Khi ngân hàng giải ngân nhiều hơn, tăng trưởng tín dụng tăng.
Về việc tăng giải ngân trong bối cảnh kinh tế khó khăn có ảnh hưởng gì hay không, theo ông Hưng, Techcombank cho vay bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng chủ yếu là xung quanh thế mạnh về tài trợ, kiểm soát dòng tiền theo chuỗi. Hay năng lực quản trị rủi ro thông qua tính am hiểu chuyên sâu về từng ngành nghề kinh doanh của khách hàng.
“Chúng tôi không cho vay đối với mọi loại khách hàng mà lựa chọn khách hàng ngành nghề mình có sự am hiểu. Đó là điều ngân hàng tiếp tục làm để quản lý chất lượng tài sản. Chúng tôi tin tưởng tỉ lệ nợ xấu nằm trong kế hoạch”, ông Hưng nhấn mạnh.
Điểm sáng trong kết quả kinh doanh quý I của Techcombank là tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 40,5%, tăng so với mức 39,9% trong năm 2023.
Lý giải về việc tỉ lệ CASA tăng, ông Hưng cho biết, đối với mảng khách hàng cá nhân, Techcombank tiếp tục nâng cao hành trình về thanh toán cho khách hàng.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng có nhu cầu quản lý gia sản, phục vụ mục đích tích sản để thực hiện kế hoạch tài chính dài hạn như mua nhà mua xe, các hoạt động dịch vụ đầu tư, quản lý gia sản có lợi thế, đạt sự tăng trưởng tốt trong quý I. Hoạt động đầu tư phục hồi và tăng trưởng tốt so với năm trước kéo theo CASA quay trở lại vì khách hàng cần thực hiện giao dịch qua tài khoản thanh toán.
“Về phía khách hàng doanh nghiệp, theo chu kỳ kinh doanh, cuối quý IV, tiền về nhiều thì CASA sẽ nhiều. Quý I, khách hàng phải giải ngân nhiều hơn, sử dụng tiền nhiều hơn để bắt đầu chu kỳ kinh doanh mới nên CASA quý I sụt giảm. Tuy nhiên, quan trọng là quý này cao hơn cùng kỳ”, ông Hưng nhận định.
Trong phiên thảo luận, nhà đầu tư đặt ra câu hỏi liên quan đến sự kiện công ty chứng khoán bị hack hệ thống thời gian trước, ông Nguyễn Xuân Minh – Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cho biết, công ty chú trọng an ninh thông tin, để đảm bảo nếu có bị tấn công thì phục hồi được nhanh nhất cho khách hàng.
Công ty có trung tâm xử lý, hệ thống sao lưu dữ liệu thông tin riêng, lưu thông tin trên đám mây điện tử và thường xuyên thực tập trong tình huống xấu nhất, xử lý thế nào để hồi phục nhanh nhất.
Ông Minh cho rằng, một tình trạng đáng lo ngại, nguy hiểm hơn cho khách hàng là tội phạm an ninh mạng tấn công trực tiếp vào điện thoại, máy tính cá nhân, dùng chiêu trò lừa đảo tải phần mềm, nhằm quản lý điều khiển từ xa, lấy mật khẩu, mã xác thực của khách hàng, vào ứng dụng bán tài sản, chuyển tài sản, ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
Theo đó, TCBS đang đưa ra nhiều tính năng để đưa ra bảo mật như tạm khóa tài khoản online cho khách hàng, số điện thoại dự phòng hay đưa ra câu hỏi bảo mật để khách hàng có thể trả lời.