Do hiệp định thuế mới, thị trường lao động Thụy Sỹ kém hấp dẫn hơn đối với người lao động Italy xuyên biên giới. Bang Ticino phía Nam nước này hiện đang lo lắng về tác động của điều này đối với nền kinh tế và về nhu cầu cấp thiết về lực lượng lao động từ Italy.
Khoảng 80.000 nhân viên đi làm qua biên giới từ Ý đến Thụy Sĩ để làm việc mỗi ngày. (Nguồn: Swissinfor.ch) |
Trong 6 tháng qua, những người đi làm xuyên biên giới, từ Italy qua Thụy Sỹ, phải đối mặt với mức thuế tăng đáng kể. Điều này khiến người lao động xuyên biên giới từ Italy sang làm việc ở Thụy Sỹ không có được khoản thu nhập như trước. Các báo cáo từ ngành công nghiệp và lĩnh vực ăn uống cho thấy số lượng người nộp đơn xin việc đã giảm.
Ông Massimo Suter, Chủ tịch của Liên đoàn lao động Gastro Ticino, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy số lượng đơn đăng ký đã giảm sút.
Trong khi đó, nền kinh tế ở bang Ticino phụ thuộc rất nhiều vào những người đi lại xuyên biên giới từ vùng Lombardy ở Italy. Khoảng 80.000 nhân viên đi làm qua biên giới mỗi ngày.
Gần 1/3 số người làm việc ở Ticino đến từ Italy. Lương cao từng là lý do thu hút họ chấp nhận qua biên giới làm việc”.
Trong khi đó, ông Piero Poli, chủ sở hữu một công ty thuốc ở thành phố Manno thuộc bang Ticino, lo ngại rằng thỏa thuận thuế mới sẽ tác động mạnh tới thị trường lao động.
Ông nói: “Rất có thể mọi người bây giờ sẽ xem xét lại việc làm ở Thụy Sỹ. Họ phải trả thuế cao hơn, đồng nghĩa với mức lương thấp hơn, nhưng họ vẫn phải chịu đựng hai tiếng rưỡi lái xe mỗi ngày. Chưa kể, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên trên các tuyến đường từ Italy đến Ticino gây khó chịu cho người dân địa phương”.
Theo thỏa thuận mới, Thụy Sỹ sẽ giữ lại 80% thuế khấu trừ đánh vào thu nhập của những người đi lại xuyên biên giới. Những người đi lại xuyên biên giới cũng sẽ phải chịu thuế tại quốc gia cư trú của họ.
Ông Luca Albertoni, Giám đốc Phòng Thương mại vùng Ticino cho biết, thỏa thuận thuế mới không có lợi cho người sử dụng lao động.
Ông giải thích, “Các chính trị gia muốn kiểm soát vấn đề tiền lương với những người đi làm xuyên biên giới khiến thu nhập của họ kém hấp dẫn hơn và Thụy Sỹ kém hấp dẫn hơn. Mục tiêu là thu hẹp khoảng cách lương giữa người dân địa phương và những người đi làm xuyên biên giới. Vì vậy, mâu thuẫn đã xảy ra”.