Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10-50% tại tất cả các thị trường chính, trong đó giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ…
Thông tin trên được nêu tại Hội nghị toàn thể hội viên năm 2023 và kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngày 12/6.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Chủ tịch VASEP – cho biết, từ cuối năm 2022, hiệp hội và các doanh nghiệp (DN) đã xác định ngành thủy sản sẽ có một năm 2023 cực kỳ khó khăn khi tình hình lạm phát thế giới ngày một trầm trọng, nhu cầu tiêu dùng giảm rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều, xuất khẩu (XK) thủy sản khó có thể tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn.
Theo bà Sắc, những kết quả cụ thể đã cho thấy sự sụt giảm liên tục của XK thủy sản. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, XK thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10-50% tại tất cả các thị trường XK chính. Trong đó, giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ khi giảm hơn 50% so với cùng kỳ; thị trường EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%.
Các mặt hàng chính của XK thủy sản Việt Nam đều giảm 2 con số, trong đó, tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%… Nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý III năm nay thay vì phục hồi từ quý III như những dự báo trước đây.
Theo Chủ tịch VASEP, bên cạnh những khó khăn từ thị trường, gần đây trong cộng đồng DN có lo lắng về khả năng cạnh tranh với giá thành tôm của Ecuador và Ấn Độ. Bên cạnh đó là những thách thức về hiệu quả nuôi cá tra khi đối mặt với chi phí thức ăn tăng cao trong khi nguồn giống chất lượng thiếu ổn định. Hay “thẻ vàng” IUU trong hải sản khai thác cũng đang là một hạn chế lớn cho sự tăng trưởng XK thủy sản.
“Câu hỏi đặt ra là chúng ta có nên suy nghĩ bằng lòng với kết quả XK năm 2023 bằng năm 2019 không? Tôi nghĩ là có thể làm được hơn thế khi chúng ta cùng đồng lòng, tích cực tìm các giải pháp để vượt qua những khó khăn hiện nay và phát triển. Mới đây, Ủy ban Tôm của VASEP đã khởi động chương trình “Vì một ngành tôm phát triển bền vững” và bước đầu đã có những tác động tích cực đến thị trường nguyên liệu tôm.
Ủy ban Cá nước ngọt cũng bắt đầu xây dựng chương trình quảng bá cá tra cùng với hoạt động liên kết cùng đánh giá lại để có biện pháp cải thiện tình hình cung ứng con giống, thức ăn, tỷ lệ thành công cho con cá tra. Còn Ủy ban Hải sản cũng đang đóng góp tài chính để thuê tư vấn quốc tế cho vấn đề “thẻ vàng” IUU. Những hoạt động này cho thấy chúng ta đang đi cùng nhau để đi được xa hơn” – Chủ tịch VASEP nói.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) – cho biết, năm 2022 ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được kết quả rất đáng tự hào, XK đã bứt phá rất mạnh mẽ, vượt qua những khó khăn về thị trường, nguyên liệu để đạt được mục tiêu kỷ lục 11 tỷ USD. Tuy nhiên, từ quý III/2022 đã thấy rõ những khó khăn, thách thức khiến cho sản xuất, XK tăng trưởng chậm lại so với nửa đầu năm. Năm 2023, vẫn còn đó những thách thức làm cản trở sự tăng trưởng của ngành thủy sản XK…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn VASEP tiếp tục hoàn thành tốt vai trò cầu nối giữa DN và Chính phủ, giữa DN với cộng đồng ngư dân, đưa thủy sản Việt Nam ra các thị trường quốc tế, đóng góp vào sự phát triển ngày một lớn mạnh và bền vững của ngành, giữ vững vị thế là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về cung cấp thủy sản.
Từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý, cần thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp; tăng cường sự hợp tác, đoàn kết giữa các DN trong việc tiếp cận, duy trì và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tuân thủ các quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu.
Thông báo kịp thời tới bộ, ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình XK để có biện pháp xử lý kịp thời; tiếp tục chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, XK nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý và tăng trưởng bền vững…