Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, các số liệu thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy lần đầu tiên thủy sản Việt Nam duy trì vị trí là đối tác lớn thứ 5 của Singapore trong hai quý liên tiếp, thể hiện được vị trí và vai trò quan trọng của thủy sản Việt Nam tại thị trường khó tính này.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam vào thị trường Singapore trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 0,81% (giá trị xuất khẩu đạt gần 51,7 triệu SGD), chiếm 9,46% thị phần. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh ở nhóm cá tươi (tăng 25,42%), trong khi sụt giảm mạnh ở 3 nhóm hàng là cá tươi ướp lạnh (giảm 26,93%), cá đông lạnh (giảm 39,42%) và thủy sản thủy sinh (giảm 23,08%).
Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore, cho biết để có thể tăng thị phần bền vững, nâng cao thứ hạng cũng như giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Singapore, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng thủy sản, đồng thời tích cực hưởng ứng các hoạt động của Thương vụ kết nối với các hiệp hội, doanh nghiệp thủy hải sản của Singapore nhằm gia tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại địa bàn.
Số liệu thống kê của Cơ quan quản lý Doanh nghiệp Singapore 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy Singapore đã nhập khẩu thủy sản từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 546,14 triệu SGD, giảm 3,42% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 15 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu vào thị trường Singapore, Malaysia tiếp tục là nước dẫn đầu, tiếp theo là Na Uy ở vị trí thứ 2, Indonesia xếp thứ 3, Trung Quốc xếp thứ 4, và Việt Nam lần đầu tiên duy trì vị trí thứ 5 trong hai quý liên tiếp.
Malaysia có thế mạnh về các mặt hàng cá tươi sống và tôm, cua, thủy sản giáp xác với thị phần ở hai phân khúc này lần lượt là 30,64% và 20,92%. Na Uy và Tây Ban Nha có thế mạnh về sản phẩm cá tươi ướp lạnh và cá đông lạnh. Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thủy sản Singapore bằng các sản phẩm cá phi lê đông lạnh (chiếm 28,69%) và cá chế biến (chiếm 19,24%). Trung Quốc có lợi thế đối với các sản phẩm thủy sản thân mềm (chiếm 32,53% thị phần) và Nhật Bản có lợi thế về các loại thủy sản thủy sinh (chiếm 37,81% thị phần).
Để đảm bảo an ninh thực phẩm, Singapore thực hiện chính sách đa dạng nguồn cung, liên tục tìm kiếm, mở rộng thị trường nhập khẩu bằng nhiều chính sách khác nhau. Điều này làm gia tăng cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu thủy sản vào Singapore.
Theo Đỗ Vân/TTXVN
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/thuy-san-viet-nam-dung-vung-tren-thi-truong-singapore/20240720062355956