TPO – Sau khi xả lũ qua tràn và tua bin phát điện với lưu lượng 1.000 m3/s, nhà máy Thủy điện Trị An quyết định tăng lưu lượng xả lên 1.120 – 1.170m3/s do lưu lượng nước về hồ tăng nhanh.
Ngày 23/9, Công ty Thủy điện Trị An tiếp tục có thông báo về việc tăng cường xả tràn điều tiết hồ chứa Thủy điện Trị An.
Theo đó, vào lúc 12h trưa 23/9, sau khi đã tiến hành xả tràn được 2 giờ, mực nước thượng lưu của hồ Trị An là 60,78m, mực nước hạ lưu tại nhà máy là 4,7m. Lưu lượng nước về hồ đạt 1.700m3/s.
Nhà máy thủy điện Trị An bắt đầu xả lũ vào sáng 23/9 với 1 cửa xả |
Dự kiến trong 1 – 2 ngày tới, lưu lượng nước về hồ đạt hơn 1.400m3/s. Lưu lượng nước xả qua đập tràn là 150m3/s, qua tuabin phát điện là 815m3/s.
Theo Công ty Thủy điện Trị An, để đảm bảo dung tích phòng lũ, kết hợp mực nước hạ du sông ở trạm thủy văn Biên Hòa đã qua đỉnh triều cường và đang xuống thấp, đồng thời không xả nhanh, đột ngột nhằm tránh những ảnh hưởng có thể xảy ra cho hạ du, Thủy điện Trị An sẽ tăng lượng nước xả tràn điều tiết hồ.
Nhiều người dân vào chân đập thủy điện Trị An xem nhà máy xả lũ |
Theo đó, từ 9h sáng 24/9, Thủy điện Trị An sẽ tăng lưu lượng nước xả qua đập tràn lên 320m3/s. Như vậy, với lưu lượng nước qua tuabin phát điện từ 800 – 850m3/s, tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du là từ 1.120 – 1.170m3/s.
Công ty Thủy điện Trị An đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các cơ quan chính quyền địa phương liên quan phối hợp và thông báo cho người dân vùng hạ du hồ chứa chủ động có biện pháp phòng ngừa, nhằm tránh xảy ra thiệt hại.
Trong diễn biến khác, trước tình hình thời tiết phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương và tỉnh trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn nhằm chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ gây ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, lũ quét gây ra trên địa bàn, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Theo đó, tiếp tục duy trì ứng trực 24/24 tại các cơ quan, đơn vị, địa phương ở các vùng trũng, thấp. Đối với khu vực đã xảy ra sạt lở, phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các địa phương kiểm tra, rà soát khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để có phương án phòng, chống, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để kịp thời ứng phó.
Nguồn: https://tienphong.vn/thuy-dien-tri-an-tang-xa-lu-gap-doi-chu-tich-tinh-dong-nai-chi-dao-nong-post1675865.tpo