Là huyện có tiềm năng về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, những năm qua, Thường Xuân đã huy động các nguồn lực để phát triển du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Cầu treo bắc qua sông Chu sang bản Mạ.
Bản Mạ thuộc khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân nằm bên dòng sông Chu, có 57 hộ, với 246 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, với cảnh quan thiên nhiên xanh mát quanh năm, những nếp nhà sàn nép bên sườn núi với những nét sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái là địa chỉ hấp dẫn đối với những người ưa thích khám phá, trải nghiệm. Đặc biệt, từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng cầu treo bắc qua sông Chu kết nối bản Mạ với trung tâm huyện Thường Xuân và Khu di tích đền Cửa Đạt, bản ngày càng trở nên hút khách du lịch. Với tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, đến nay đã có 4 hộ dân đầu tư xây dựng homestay để đón khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay bản đã đón được gần 38.000 lượt du khách đến tham quan.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân Vi Ngọc Tuấn cho biết: Những năm qua, công tác quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch được huyện quan tâm, đã triển khai thực hiện dự án lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch Thác Yên; dự án khu nghỉ chân chờ đón du khách bến thuyền Hồ Cửa Đạt; rà soát, đăng ký, bổ sung chủ trương đầu tư Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch theo đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; hoàn thành công bố quy hoạch 1/500 điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Mạ (thị trấn Thường Xuân) và bản Vịn (xã Bát Mọt); hoàn thiện Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”…
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các điểm du lịch như: Lòng hồ Cửa Đạt, điểm du lịch tâm linh đền thờ Cầm Bá Thước – Bà chúa thượng ngàn; Di tích lịch sử – văn hóa và danh thắng Hội thề Lũng Nhai; điểm du lịch cộng đồng ở bản Vịn, thác Yên, thác trai gái thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.
Để khai thác, phát huy tiềm năng du lịch, huyện đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nhằm cụ thể hóa đề án và quảng bá du lịch địa phương, đến nay huyện đã tổ chức thành công Tuần lễ văn hóa, thể thao và du lịch huyện Thường Xuân vào các năm 2019 và 2022. Cùng với đó, đã và đang tăng cường phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Tiến hành các hoạt động khảo sát điểm đến, tour, tuyến; tham vấn phát triển du lịch; xây dựng chương trình tour và ký kết hợp tác với doanh nghiệp lữ hành. Đến nay, huyện đã xây dựng 2 tour du lịch trọng điểm gồm: Khám phá hồ Cửa Đạt – thác Yên – Khu di tích lịch sử Lam Kinh và Khu di tích lịch sử Lam Kinh – đền Cửa Đạt – bản Mạ – hồ Cửa Đạt – nông trại Goldencow. Bên cạnh đó, huyện đã xây dựng và phát triển, quảng bá các sản phẩm truyền thống đặc trưng của từng địa phương để phục vụ du khách; khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái; hoàn thiện việc xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa gắn với phát triển du lịch, như: Chỉ dẫn địa lý cây quế Ngọc và các sản phẩm từ quế; mật ong Yên Nhân; thuốc Nam chữa bệnh; xây dựng các sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn OCOP… Theo thống kê, 4 tháng đầu năm 2023 có gần 98.000 lượt khách nội địa đến với huyện Thường Xuân, tăng 550,7% so với cùng kỳ.
Năm 2023, huyện Thường Xuân phấn đấu thu hút trên 137.000 lượt khách. Để đạt được mục tiêu trên huyện sẽ tiếp tục hoàn chỉnh các quy hoạch, đề án, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư phát triển du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch lợi thế, hướng tới để du lịch thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện phát triển.
Bài và ảnh: Khắc Công