“Hình ảnh chung và xuyên suốt của QĐND Việt Nam luôn là sự kế tục nhau không bao giờ chấm dứt, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn như thế”, Thượng tướng Võ Tiến Trung nói với PV Dân Việt.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 -22/12/2024), PV Dân Việt có trao đổi với Thượng tướng – PGS-TS Võ Tiến Trung, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng.
Từng là người lính trưởng thành qua chiến đấu rồi trở thành tướng, nhà khoa học, ông đánh giá thế nào về bước trưởng thành của QĐND Việt Nam từ ngày thành lập đến hôm nay?
– Có thể khẳng định bước trưởng thành của QĐND Việt Nam từ khi thành lập (ngày 22/12/1944) là sự kế thừa liên tục, càng xây dựng càng trưởng thành, trong chiến tranh càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng.
Khi nói tới bước trưởng thành của một lực lượng, người ta thường nói sẽ có lúc thăng trầm, lúc lên, có lúc xuống, có lúc yếu, lúc mạnh, nhưng với QĐND Việt Nam từ khi được thành lập cho đến ngày nay có sự phát triển liên tục, lớp sau nối tiếp truyền thống của lớp trước để ngày càng lớn mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đất nước trong mọi hoàn cảnh. Về chất lượng thì tư tưởng quân đội luôn được tăng cường rèn luyện để tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.
Về vũ khí, trang thiết bị, phương tiện quân sự có thể thấy QĐND Việt Nam ngày càng được trang bị hiện đại. Quân đội ta luôn phát triển đi lên, xứng đáng là quân đội anh hùng của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, xứng đáng với tên mà nhân dân trìu mến đặt cho là Bộ đội Cụ Hồ.
Hình ảnh của quân đội ta này nay so với thời kỳ trước đây, nhất là thời chiến tranh có những điểm gì khác nhau, thưa ông?
– Hình ảnh QĐND Việt Nam ở thời kỳ nào trong lòng nhân dân luôn có chung một điểm, đó là hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vì dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì nhân dân, vì Tổ quốc.
Còn người lính thời nay khác so với thời chúng tôi, đó là quân đội giờ chính quy hơn, trang thiết bị và phương tiện hiện đại hơn, các cấp sĩ quan được đào tạo bài bản hơn, trang bị kiến thức tốt hơn. Thời chiến tranh, một người lính trải qua nhiều trận đánh mới trở thành cán bộ từ cấp tiểu đội, trung đội, tiểu đoàn…
Quân đội bây giờ qua huấn luyện, qua diễn tập, qua hoạt động để trưởng thành. Nhưng khi đất nước bị xâm lược, quân đội sẽ anh dũng chiến đấu và chiến thắng, vì lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam luôn ở trong khắc sâu trong mỗi người và sẽ trỗi dậy khi hoàn cảnh đến. Tôi hoàn toàn tin vào lớp trẻ, vào thế hệ những người lính ngày nay, khi Tổ quốc cần họ cũng sẽ chiến đấu anh dũng như thế hệ của chúng tôi ngày xưa đã chiến đấu với kẻ thù xâm lược.
Tinh thần của người lính ngày nay đã được thể hiện qua rất nhiều lần đồng bào gặp sự cố thiên tai như bão lụt, lũ quét, sạt lở đất, dịch bệnh, quân đội đã xả thân vì nhân dân, có nhiều chiến sỹ sẵn sàng hy sinh cứu giúp đồng bào mình. Nói điều này để chứng minh, khi đất nước xảy ra tình huống xấu, Tổ quốc bị đe dọa thì quân đội sẽ phát huy truyền thống anh hùng để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng. Hình ảnh chung và xuyên suốt của QĐND Việt Nam qua các thời kỳ luôn là sự kế tục nhau không bao giờ chấm dứt, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn như thế.
Có thể thấy hình thái chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ngày nay khác so với ngày trước, giờ là chiến tranh hiện đại, công nghệ cao mang tính quyết định, ở góc độ là nhà nghiên cứu khoa học, theo ông lực lượng quân đội phải làm thế nào để theo kịp phát triển của thời đại, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới?
– Chúng ta phải thừa nhận, chiến tranh bây giờ thay đổi hoàn toàn so với trước đây, điều này thể hiện qua cuộc chiến giữa Nga – Ukraina. Chưa bao giờ con người phải đối phó với công nghệ cao như vậy, UAV bay hàng đàn, không chỉ có máy bay không người lái trên trời mà còn dưới mặt biển, trên mặt đất, hoạt động của lực lượng vũ trang đều có thể theo dõi, điều chỉnh qua công nghệ…Với tình hình như vậy, bất cứ quân đội của quốc gia nào, kể cả quân đội được trang bị hiện đại để tìm cách đối phó đều khó.
Nếu so sánh về trình độ khoa học quân sự của chúng ta với những nước tiên tiến trên thế giới thì nhiều người sẽ e ngại, nhưng tôi tin người Việt Nam chúng ta sáng tạo, đặc biệt là về trí tuệ, sự linh hoạt thì quân đội ta sẽ từng bước thích nghi. Vấn đề này chúng tôi đã góp ý là phải khẩn trương thích nghi, khẩn trương đầu tư cho lớp trẻ nghiên cứu khoa học kỹ thuật để đưa vào trong chỉ đạo chiến đấu, trong trang bị cho quân đội.
Với lòng yêu nước và trí tuệ, kinh nghiệm của người Việt Nam, chúng ta sẽ có cách khắc phục khoảng cách công nghệ hiện nay. Ngày trước trên thế giới có nước nào bắn rơi được máy bay B52 đâu, trong khi Việt Nam với trang bị vũ khí so đối phương thì lạc hậu hơn nhiều, nhưng nhờ sự sáng tạo chúng ta đã bắn rơi B52. Còn QĐND Việt Nam ngày nay với với vũ khí, trang thiết bị hiện có, với trình độ khoa học kỹ thuật hiện có, với trí tuệ của người Việt Nam, chúng ta sẽ thích nghi với sự phát triển như nhanh chóng khoa học công nghệ và sẽ đưa vào tác chiến phù hợp.
Tất nhiên nếu xảy ra chiến tranh xảy ra, chúng ta có thể gặp khó khăn ban đầu bởi vì cần thích nghi, nhưng từng bước chúng ta sẽ nắm tình hình, từng bước thay đổi để chủ động trong các tình huống. Trong chiến đấu không có bài học nào bằng bài học kẻ địch dạy ta cả. Kẻ địch tác động thế nào, phương án tác
chiến ra sao, vũ khí thế nào, chúng ta gặp khó khăn gì, qua đó rút ra bài học và có phương án đối phó phù hợp. Từ thực tiễn sinh ra lý luận và sinh ra khoa học công nghệ để đối phó lẫn nhau, còn nói một dân dã thì chỉ có kẻ địch dạy ta nhanh nhất.
Thời gian qua, chúng ta đã nhiều lần tổ chức nhiều triển lãm Quốc phòng quốc, qua những lần triển lãm quốc đó thể hiện khoa học kỹ thuật quốc phòng của Việt Nam không ngừng lớn mạnh thu hút được những cường quốc quân sự tham gia tại cuộc triển lãm, ông đánh giá thế nào?
– Tôi nghĩ rằng đây là một cuộc trao đổi rất quan trọng về khoa học quân sự, qua đó chúng ta tìm hiểu thêm được vũ khí và các trang thiết bị hiện đại của các nước. Qua đó chúng ta có dịp trao đổi, nghiên cứu về các trang thiết bị quân đội nước bạn. Triển lãm cũng là dịp cho bạn bè thế giới biết được rằng trí tuệ người Việt Nam không phải là tầm thường. Nhưng nguyên tắc bao giờ cũng phải giấu những cái mới. Quốc gia nào cũng vậy.
Những cái đã có là cùng với thế giới trưng bày, trên cơ sở đó học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, nghiên cứu, sáng tạo để hoàn thiện các trang thiết bị. Qua những lần triển lãm chúng ta cũng thể hiện công nghệ quốc phòng của mình không ngừng phát triển, chứ không phải chúng ta tổ chức triển lãm là cái sân để các nước phô diễn.
Qua triển lãm chúng ta được học hỏi, được mở rộng trí tuệ, tận dụng trí tuệ của người khác để tạo lên một trí tuệ mới. Dân tộc nào, quân đội nào làm được điều đó thì mới phát triển.
Qua những lần được tham quan tại triển lãm, tôi thấy tốc độ phát triển của khoa học quân sự rất nhanh chóng, trang thiết bị, công nghệ quân sự của thế giới phát triển quá nhanh, thay đổi như vũ bão, đó là điều tôi ấn tượng. Qua đó dạy cho chúng ta một điều là đừng bao giờ chủ quan, đừng bao giờ dừng lại mà luôn luôn phát triển, đi tắt đón đầu, vượt lên.
Còn khi tham quan các gian hàng của chúng ta tại triển lãm, tôi thấy tự hào, nhưng nói yên tâm thì chưa, thực tế mình còn khó khăn, đất nước đang trong quá trình phát triển. Để so sánh với các phát triển trong việc mua sắm vũ khí, sản xuất trang thiết bị cho quân đội thì rất khó.
Nhưng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc thì sức mạnh thể hiện chính là ở con người, con người được giác ngộ, con người yêu nước; con người làm chủ khoa học, vũ khí và trang thiết bị. 2 cái đó phải hòa quyện vào nhau. Còn quân đội mà chỉ dựa trên vũ khí, trang bị mà không có yếu tố con người thì cũng không thể tạo nên sức mạnh và thực tiễn đã chứng minh điều đó.
Thời gian qua QĐND Việt Nam đã tiến hành tinh gọn bộ máy, sắp xếp tổ chức, mới đây nhất là việc giải thể tiếp 2 quân đoàn để thành lập 1 quân đoàn (quân đoàn 34), ông thấy sao?
– Quân đội phải nghiên cứu xây dựng tinh, gọn nhưng phải mạnh. Việc sắp xếp lại các đơn vị để không bị cồng kềnh, khi đối phó với chiến tranh hiện đại, quân phải tinh. Tinh đây là huấn luyện phải giỏi, trình độ của người chỉ huy phải thông hiểu, trang bị vũ khí phải phù hợp, cách sử dụng hành binh như giấu quân thế nào, sử dụng quân thế nào để đạt hiệu quả cao.
Quân đội phải tinh – gọn – mạnh, thiếu chữ mạnh là không được. Nếu giảm biên chế đi chỉ gọn, gọn thì dễ nhưng gọn phải tinh. Tinh binh, tinh trí tuệ, tinh trang bị, khi sử dụng nó phải thực sự có hiệu quả mới là mạnh.
Quân đội từ lâu rồi chứ không phải bây giờ là từng bước thực hiện tinh, gọn, mạnh để xây dựng chính quy, để dùng ít nhưng sức mạnh tăng lên, giảm bớt biên chế, đỡ bớt gánh nặng kinh tế của đất nước và để xây dựng quân đội hướng tới một quân đội chính quy, một quân đội hiện đại chứ không phải là quân đội tương đối hiện đại nữa.
Mục tiêu hướng tới như quyết tâm của Quân uỷ Trung ương là 2030 chúng ta thực sự là quân đội hiện đại. Chúng ta chuẩn bị bước sang năm 2025, chỉ còn 5 năm nữa, đây là giai đoạn cần sự tăng tốc thì mới có quân đội hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!
Nguồn: https://danviet.vn/thuong-tuong-vo-tien-trung-qdnd-viet-nam-thoi-ky-nao-trong-long-dan-deu-co-diem-chung-rat-dac-biet-20241219022731685.htm