Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự ngày 18-8, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương đã giải trình, làm rõ về việc chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự trong dự thảo luật.
Tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung cho hoàn thiện dự thảo luật
Tại phiên họp, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề mà các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung cho hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. |
Trong quá trình thảo luận, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan tâm đến quy định về chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự trong dự thảo luật.
Sau khi nghe góp ý từ các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, thay mặt cơ quan thường trực của Ban soạn thảo – Bộ Quốc phòng bày tỏ cảm ơn các cơ quan của Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội cũng như lãnh đạo các địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ và giúp đỡ trong quá trình soạn thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung cho hoàn thiện.
Làm rõ thêm về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng và khu quân sự, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nêu thực tế rằng, hiện nay có những vướng mắc xuất phát trong quá trình thực hiện.
“Nếu chuyển đổi đất quốc phòng bình thường, có quy hoạch và không có công trình quốc phòng thì do địa phương quyết định, có sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng. Nhưng nếu đất đó chưa có trong quy hoạch hoặc trên đất đó có công trình quốc phòng thì lại do Thủ tướng quyết định”, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nói và nêu thực tế là, có những công trình quốc phòng, khu quân sự nhiều năm trôi qua vẫn không bàn giao được cho địa phương để phát triển kinh tế – xã hội, thậm chí có những địa phương khi nhận được công trình thì công trình đã xuống cấp, không sử dụng được nữa.
“Đây là một việc rất khó vì liên quan đến tài sản công phải thẩm định, khấu hao tài sản, cơ cấu lại để sử dụng… Trong dự thảo đầu tiên đưa ra 2 phương án, sau đó Chính phủ thống nhất là đưa 1 phương án và phương án này Chính phủ cũng đã trình để thuận tiện trong quá trình sử dụng”, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nói.
Kết hợp hài hòa giữa hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với phát triển kinh tế – xã hội
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và Bộ Quốc phòng phối hợp chuẩn bị hồ sơ rất kỹ, tiếp thu nghiêm túc ý kiến đại biểu Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng đây là luật mới, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị, không chỉ là việc riêng của Bộ Quốc phòng.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, do luật này là một luật mới nên cần phải rà soát kỹ lưỡng để làm tốt cả 2 nhiệm vụ, vừa quản lý, bảo vệ được công trình quốc phòng, khu quân sự nhưng vừa tạo điều kiện để sử dụng tiềm năng, lợi thế của từng vùng, của từng địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội.
Toàn cảnh phiên họp. |
Đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị khá kỹ cho dự thảo luật, tuy nhiên Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định trong dự luật, bảo đảm tính kịp thời, không gây cản trở trong quá trình thực hiện.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đánh giá cao cơ quan thẩm tra – Ủy ban Quốc phòng và An ninh và cơ quan soạn thảo – Bộ Quốc phòng đã phối hợp rất chặt chẽ trong suốt thời gian vừa qua để tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án luật; việc tiếp thu, giải trình rất nghiêm túc, thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Góp ý về chế độ bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ vành đai an toàn trong dự luật, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị phải rà soát thật kỹ các chế độ, các biện pháp bảo vệ áp dụng đối với từng công trình quốc phòng, từng khu vực quân sự để vừa phù hợp với Hiến pháp, vừa nhất quán với quan điểm chỉ đạo xây dựng luật tại Tờ trình của Chính phủ là: Kết hợp hài hòa giữa hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Các trường hợp công trình quốc phòng và khu quân sự được chuyển đổi mục đích sử dụng (trong dự thảo luật), bao gồm: a) Chuyển đổi mục đích sử dụng trong phạm vi Bộ Quốc phòng theo yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; b) Không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cần chuyển đổi mục đích sử dụng để phát triển kinh tế – xã hội và phục vụ nhu cầu dân sinh; c) Còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nhưng nằm trong phạm vi thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư thực hiện dự án có nhu cầu sử dụng và được Bộ Quốc phòng thống nhất bằng văn bản về chuyển đổi mục đích sử dụng trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. |
PHƯƠNG ANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.