Chiều 28/7, Thường trực Ban Bí thư giao ban trực tuyến công tác 6 tháng đầu năm với các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Thành ủy trực thuộc Trung ương. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Hội nghị được truyền trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh, thành ủy.
Chủ trì tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; trưởng các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; đại diện Đảng đoàn HĐND tỉnh, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy; lãnh đạo một số ban, ngành, đoàn thể.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, nâng cao đời sống Nhân dân; củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng, đề xuất nhiều chủ trương về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất phát triển, khơi thông các nguồn lực, tháo gỡ các rào cản, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, sản xuất được thực thi hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm. Tính đến ngày 25/7/2023, 23 tỉnh uỷ, thành ủy đã tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ cùng với xây dựng kế hoạch thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị bảo đảm công khai, minh bạch và thực chất. Chất lượng và công tác phát triển đảng viên ngày càng nâng cao, nhất là khu vực ngoài nhà nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong học sinh, sinh viên…
6 tháng đầu năm, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Trong lĩnh vực kinh tế – xã hội, hầu hết các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương, trong đó, 10 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng cao từ 7,77% đến 14,21%%. Điểm sáng là lĩnh vực du lịch, dịch vụ hồi phục, phát triển mạnh mẽ, với nhiều hoạt động, sự kiện, lễ hội, sản phẩm du lịch đặc sắc; số lượt khách du lịch và doanh thu xã hội từ du lịch tăng so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng cao; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng so với cùng kỳ năm 2022. Các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện theo kế hoạch. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được các địa phương chỉ đạo quyết liệt, có 32 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt trên 30%. Lĩnh vực văn hoá – xã hội, y tế, giáo dục, khoa học – công nghệ tiếp tục được quan tâm. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại được tăng cường…
Tuy nhiên, còn một số khó khăn, vướng mắc như: Công tác kiểm tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương còn chậm, chưa phát hiện và ngăn chặn kịp thời, dẫn đến khiếu kiện vượt cấp đông người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Công tác rà soát, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ ở một số địa phương còn chậm; việc tạo nguồn, phát triển đảng viên và xây dựng lực lượng cốt cán đặc thù trong tôn giáo ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt kế hoạch đề ra, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực nông thôn và doanh nghiệp. Chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của đa số các địa phương chưa đạt mục tiêu nghị quyết; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm…
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; kiến nghị một số vấn đề về cải cách hành chính và đổi mới phương thức lãnh đạo; công tác phối hợp giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh với các cơ quan tư pháp Trung ương trong các vụ việc tại địa phương; việc thể chế hoá chiến lược, chủ trương, định hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của các vùng kinh tế, Thủ đô Hà Nội; những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, khoáng sản, luật giá; việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án đầu tư công…
Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 6 nhiệm vụ mà Bộ Chính trị đã chỉ đạo; lồng ghép những nhiệm vụ trọng yếu mà Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đã đề ra. Tập trung cao nhất hoàn thành các mục tiêu năm 2023; những vấn đề phát sinh phải kịp thời xử lý, không để kéo dài. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc để đạt được kết quả cao hơn; Chú trọng triển khai toàn diện các mặt xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tập trung giải quyết các khó khăn vướng mắc, khắc phục tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm… Đối với các ý kiến, kiến nghị của các địa phương tại hội nghị, Văn phòng Trung ương Đảng sẽ tổng hợp ý kiến gửi các cơ quan có thẩm quyền trả lời, giải quyết.
Diệu Hoa