Những thông tin liên quan tới giáo dục được dư luận đặc biệt quan tâm những ngày qua, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, còn có tấm bằng Tiến sĩ Luật của công dân Vương Tấn Việt.
Công dân Vương Tấn Việt tức Thượng tọa Thích Chân Quang (SN 1959) là trụ trì Thiền tôn Phật Quang tại xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Thượng tọa Thích Chân Quang không chỉ giỏi tiếng Anh, biết làm thơ, sáng tác nhạc, mà còn nổi tiếng với những đóng góp tích cực trong việc truyền bá tư tưởng Phật giáo, an sinh xã hội, thiện nguyện và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, ông còn được biết đến là cổ đông nắm 80% cổ phần Công ty TNHH Văn hóa Pháp Quang – doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, các đồ tâm linh, trong đó có nhiều sách, đĩa của Tiến sĩ, Thượng tọa Thích Chân Quang.
Người thường cần 4 năm để hoàn thành chương trình Tiến sĩ, nhưng Thượng tọa Thích Chân Quang chỉ cần hơn 2 năm. |
Tài năng, sự nổi tiếng của Thượng tọa Thích Chân Quang gần đây được nhiều người biết đến hơn, khi ở tuổi 58, ông quyết định đi học Luật hệ tại chức của Trường Đại học Luật Hà Nội và tốt nghiệp sau 2 năm với tấm bằng Giỏi.
Tiếp đó, ông tiến hành học thẳng Tiến sĩ cũng tại ngôi trường này và hoàn thành chương trình học trong 2 năm, luận án được các thành viên Hội đồng đánh giá, nhận xét có giá trị nhân văn vượt khuôn khổ nghiên cứu thuần túy lý luận và luật học.
Và cũng chính sự nổi tiếng, tài năng xuất chúng của Thượng tọa Thích Chân Quang vượt xa những suy nghĩ bình thường của số đông, đã khiến tài năng ấy trở nên bất bình thường, khiến dư luận bàn tán xôn xao, báo chí tốn không ít giấy mực.
Đã có không ít những câu hỏi được đặt ra. Chẳng hạn:
Ngày 7/6/2019, Trường Đại học Luật Hà Nội ban hành Thông báo tuyển sinh số 2190/TBTS-ĐHLHN về việc tuyển sinh nghiên cứu sinh đợt 2 năm 2019. Một trong những quy định trong thông báo, đó là: “Người dự tuyển phải có bằng cử nhân luật hệ chính quy loại giỏi trở lên…”.
Ngày 30/9/2019, Trường Đại học Luật Hà Nội có thông báo đính chính thông tin này, thành: “Người dự tuyển phải có bằng cử nhân luật loại giỏi trở lên…” (bỏ quy định bằng chính quy).
Nếu áp dụng theo thông báo cũ, Thượng tọa Thích Chân Quang với tấm bằng Giỏi hệ tại chức sẽ không đủ điều kiện xét tuyển, nhưng với quy định tại thông báo ngày 30/9/2019, Thượng tọa Thích Chân Quang đáp ứng điều kiện.
Việc điều chỉnh này để tạo điều kiện cho Thượng tọa Thích Chân Quang hay đơn thuần chỉ là thiếu sót trong quá trình đánh máy, và Trường Đại học Luật Hà Nội điều chỉnh để phù hợp với các quy định của pháp luật?
Nội dung này đã được Trường Đại học Luật Hà Nội thông tin tới báo chí hôm qua 25/6, đơn giản chỉ là sơ suất và nhà trường điều chỉnh để phù hợp với khoản 1 Điều 5 Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ phải có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên hoặc bằng thạc sĩ”.
Thêm một câu hỏi nữa, đó là theo quy định của Trường Đại học Luật Hà Nội, thời gian đào tạo tiến sĩ đối với người có bằng đại học là 4 năm tập trung liên tục. Bằng cách nào để Thượng tọa Thích Chân Quang chỉ mất hơn 2 năm để hoàn thành chương trình?
Sẽ rất khó lý giải nếu không phải người trong cuộc, nắm rõ các quy định, quy trình đào tạo đối với Thượng tọa Thích Chân Quang, đặc biệt đó lại là thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát, nhiều địa phương phải phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trong thông cáo báo chí phát đi hôm qua, Trường Đại học Luật Hà Nội thông tin rất đầy đủ quy trình đào tạo, lý do rút ngắn thời gian đào tạo. Rằng: “Từ tháng 12/2019 đến 6/2021, nghiên cứu sinh Thích Chân Quang hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và 7 học phần của chương trình tiến sĩ.
Nghiên cứu sinh này cũng hoàn thành các học phần bổ sung, các học phần ở trình độ tiến sĩ; công bố 2 báo cáo quốc tế; được tập thể hoặc người hướng dẫn nghiên cứu sinh đồng ý cho đăng ký đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn.
Tháng 6/2021, nghiên cứu sinh Thích Chân Quang đã hoàn thành góp ý luận án cấp bộ môn và bảo vệ cấp cơ sở sau đó 3 tháng.
Ngày 3/10/2021, nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt có đơn xin rút ngắn thời gian đào tạo. Sau đó 2 tháng ông được công nhận bảo vệ thành công luận án cấp trường”.
Như vậy là thông tin quy trình đào tạo đối với Thượng tọa Thích Chân Quang rất rõ ràng, rất đầy đủ và đúng quy trình. Và như đánh giá của một vị lãnh đạo Trường Đại học Luật Hà Nội khi trả lời Báo Công Thương: “Thượng tọa Thích Chân Quang là người học hành nghiêm túc, chăm chỉ và trong các quá trình đều đảm bảo đúng quy định”.
“Trường Đại học Luật Hà Nội là cơ sở đào tạo uy tín nên không có việc như thông tin đồn thổi trên mạng xã hội. Tất cả mọi thứ đều đúng quy trình và quy định. Người nào đăng tin vu khống, xúc phạm khi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ thì người đó phải chịu trách nhiệm”, vị đại diện này nói.
Những thông tin Trường Đại học Luật Hà Nội đưa ra đã rất rõ ràng, dù vậy vẫn chưa thoả mãn được những thắc mắc của dư luận. Vì vậy, hôm qua 25/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải yêu cầu Trường Đại học Luật Hà Nội báo cáo rõ sự việc này.
Hi vọng sự việc sẽ sớm có kết luận cuối cùng từ cơ quan quản lý về giao dục cao nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, để xua tan những hoài nghi vô căn cứ, những luận điệu xuyên tạc ảnh hưởng tới uy tín của Trường Đại học Luật Hà Nội và Thượng tọa Thích Chân Quang.
Nguồn: https://congthuong.vn/thuong-toa-thich-chan-quang-qua-xuat-sac-328311.html