Tháng Chạp, đêm đen kịt lại thêm cái rét tái tê nên nhà ai cũng đóng cửa từ chập tối. Trong nhà, mùi nhang đen và mùi thơm của trái bưởi vàng trên ban thờ làm không gian ấm cúng, cái Tết như đang về đâu đó, rất gần. Tôi chui trong cái chăn bông dày sụ, sung sướng thò cổ ra nghe ngóng chuyện bố mẹ bàn bạc sắm Tết.
Những tháng năm thơ bé, tôi luôn có đôi chân đỏ rực và sưng tấy do cước vào mùa đông. Dù mưa phùn gió bấc hay khô hanh nứt nẻ, chúng tôi cũng vẫn đi tới trường bằng đôi dép lê mỏng dính. Cái lạnh khiến hai bàn chân đỏ tía lên còn đôi tay thì cũng tê cóng đến mức không cầm nổi cây bút.
Bao giờ cũng thế, trước khi đi ngủ tôi thường phải ngâm chân bằng nước muối ấm có đập gừng cho đỡ ngứa. Vì thế, đôi giày vải là mong ước của tôi, có giày chân sẽ đỡ sưng tấy và đau, ngứa. Mẹ tôi bảo gần Tết, khi nào bán đàn gà mẹ sẽ mua cho một đôi giày mới.
Đàn gà nuôi dành đến Tết nhà tôi chỉ có hơn chục con, hai phần trong chúng là gà mái, chỉ có dăm con gà trống. Gà được chọn để ấp nở từ trứng của những con gà đẹp và khỏe mạnh từ dạo mùa xuân, cuối năm cũng đã to lớn lộc ngộc. Mẹ tôi dự tính sẽ bán bớt đi mấy con để lấy tiền mua sắm, số còn lại để làm giống mùa sau và dành ăn Tết.
Lễ tế giao thừa, người ta cần gà trống hoa có bộ lông cánh đẹp đẽ, đuôi dài, mào cờ, mặt đỏ, đặc biệt đôi chân cũng phải mập mạp cân đối. Hàng ngày tôi chăm chỉ lấy ngô, bẻ sắn xát cho bọn nó ăn no căng. Đàn gà lông mượt và tròn như quả sim khiến đôi giày vải của tôi như đang ở ngay trước mắt. Xóm trên xóm dưới ai cũng biết nhà tôi có đàn gà trống bởi tiếng gáy vang rất to buổi sớm, chẳng thể nào giấu được tiếng gáy ấy. Bố tôi đã dặn rồi, tháng Chạp phải trông coi cẩn thận, buổi tối nhớ kiểm tra xem đã đóng cổng cẩn thận hay chưa.
Trời còn tối, tiếng gà râm ran trong xóm làm tôi tỉnh ngủ. Lũ gà trống trong chuồng cũng lục tục trở dậy rồi hòa tiếng cùng những con gà khác gáy vang. Tiếng gáy mỗi lúc một rộ càng làm tôi sốt ruột, trong lòng háo hức mong sao trời mau sáng. Tôi thao thức và bồn chồn đến nỗi mẹ tôi nằm bên cạnh phải giục ngủ tiếp đi vì trời còn lâu mới sáng. Tiếng gà nối từ nhà này sang nhà khác, lúc đầu chỉ thưa thớt nhưng càng lúc càng lan ra khắp xóm trên xóm dưới.
Những năm tháng ấy, đàn gà là một thứ tài sản quý giá có thể đổi lấy giày dép hay những bộ quần áo mới cho chúng tôi. Nó cũng có thể đổi lấy thịt lợn, măng miến, đỗ xanh, rượu, mứt… Nuôi gà có thể bán hoặc thịt ăn mà không phải giấu giếm, kê khai hay nộp thuế sát sinh như nuôi lợn.
Lứa gà nuôi ăn Tết luôn được chăm sóc cẩn thận, buổi chiều cho ăn no rồi nhốt vào chuồng ngủ sớm, chuồng lại được quây kín xung quanh chắn gió, sáng phải chờ đến sương tan hết mới được thả. Tất cả là để lũ gà khỏe mạnh chóng lớn không bị dịch bệnh trong ngày đông tháng giá. Đêm hôm lạnh buốt, đôi chân tôi giá như hai que kem dù đã được ủ trong chăn ấm, tôi hay nghĩ lũ gà có bộ lông dày và ấm nhưng đôi chân trần như vậy chẳng biết có bị sưng tấy như tôi hay không.
Những buổi sớm mờ sương, khi thấy mẹ dậy nấu cơm ăn để chuẩn bị đi chợ là thể nào tôi cũng dậy theo. Trời lạnh quá, tôi xuống bếp và khoan khoái nằm tròn trong cái ổ rơm ấm áp, ngọn lửa từ bếp tỏa ra làm bàn chân tôi dễ chịu hơn sau một đêm dài đau và ngứa đến khổ sở.
Nằm ở đấy, ngắm ngọn lửa nhảy múa đẹp mê ly dưới đáy nồi và thấy bóng mẹ thật to lớn chập chờn in lên tường bếp, nghe tiếng lạch cạch quen thuộc thật dễ chịu, có khi lại ngủ một giấc nữa đến khi cơm chín. Lũ gà sau một hồi thi nhau cất tiếng gáy chắc cũng mỏi cổ và thấy trời còn tối quá nên lại đi ngủ tiếp.
Những buổi sáng, tôi thường đánh răng rửa mặt bằng chiếc gáo dừa bốc hơi nghi ngút bởi nó được dùng để múc nước nóng từ chiếc nồi gang to đùng đang bắc trên bếp lửa.
Mùi khói rơm còn vương trong hơi nước nóng và những bữa cơm sáng nóng hổi nhưng đạm bạc ấy luôn để lại trong tôi một cảm nhận rất đặc biệt về mùa đông. Còn bầy gà thì có khẩu phần ăn một nồi cám ngô trộn với rau nóng bỏng, mẹ tôi bảo bọn nó cũng được ăn nóng để có sức chống lại giá rét. Mỗi lần ăn xong, cái diều chúng trở nên to tướng, lệch hẳn sang một phía trông thật buồn cười. Đàn gà lớn lên mỗi ngày và tròn như những quả sim.
Rồi những ngày cuối cùng của năm cũng tới, buổi chợ phiên cũng đã cận kề. Tôi càng trằn trọc khó ngủ vì nghĩ đến đôi giày ấm áp, vui sướng nghĩ đến đôi chân mình sẽ không bị sưng tấy nữa. Gần sáng, khi nghe mẹ lạch cạch dưới bếp, tôi cũng vội vàng chạy theo xuống bếp.
Thật kỳ lạ, tôi không nghe tiếng lũ gà trong chuồng lục đục và gáy váng lên như mọi bận. Mưa lất phất, nhìn ra sân qua ánh điện vàng, tôi thấy cánh cổng gỗ nhà mình mở toang. Bố mẹ tôi hốt hoảng chạy ra thì phát hiện cả cửa chuồng gà cũng bị mở. Những con gà đã biến mất, ngoài cửa chuồng có một cái gì đó dài dài đen đen như con rắn. Bố tôi lấy đèn pin ra soi thì đấy là một đoạn dọc khoai nước, loại hay dùng để nấu cám cho lợn ăn, nó đã được nướng qua lửa cho mềm bớt.
Thì ra đêm qua, kẻ trộm đã trèo qua tường vào bắt gà, bức tường ấy thật tình chỉ ngăn được người ngay thôi chứ kẻ gian thì có thể trèo qua một cách dễ dàng. Bố tôi bảo đây là kẻ chuyên đi trộm gà, chúng nướng dọc khoai cho mềm giống như một con rắn rồi lùa cái dọc khoai đó vào chuồng gà. Gà tưởng là rắn bò vào thì hoảng sợ đứng yên không dám nhúc nhích cũng không dám kêu lên quang quác.
Trời tối, đàn gà không nhìn thấy gì nên đành im thin thít chịu bị bắt, tên trộm đàng hoàng mở cổng ra về mà cả nhà tôi không hay biết gì cả. Lúc đấy tôi chưa cảm thấy thương bọn gà, chỉ thấy sợ hãi vô cùng, trong đầu tưởng tượng thằng trộm như một bóng ma quái đản và ghê rợn.
Trời sáng hẳn, tôi phát hiện tận sâu tít trong góc chuồng, hai con gà còi nhất đàn đang nằm bẹp dí, chúng hoảng hốt đến nỗi không dám chạy ra ngoài sân nữa.
Tôi cũng quên cả đôi giày ấm, lòng thầm nghĩ nếu thằng trộm đến mà gặp tôi ở nhà một mình, chắc nó cũng bắt cho vào bao tải mang bán cũng nên. Rồi tôi nghĩ đến những con gà tội nghiệp, chúng bị vặn cổ ngay trước khi tống vào bao tải, tránh tiếng kêu làm chủ nhà thức giấc.
Những đêm sau đó, tôi cảm thấy trống trải vô cùng, vắng tiếng gà gáy làm tôi thao thức mãi. Bóng tối và những tiếng sột soạt ghê rợn ngoài kia biến tôi thành một đứa trẻ nhút nhát.
Dù vẫn được mẹ mua cho đôi giày mới nhưng mỗi lần nhìn thấy nó tôi lại nhớ đến đàn gà tội nghiệp. Tôi cứ nghĩ giá bọn chúng đừng gáy to như thế có khi thằng trộm kia đã không biết đến sự có mặt của chúng và lũ gà sẽ không bị bắt theo kiểu độc ác ấy, chúng phải được “hóa kiếp” biến thành những con gà buộc cánh tiên đẹp đẽ bày trên bàn thờ đêm giao thừa nữa chứ.
Tôi đã đi xa tiếng gà những đêm cuối năm lạnh giá ấy và thực sự là nó đã bị lãng quên. Nhưng dường như những thứ tưởng chừng đã cũ kỹ và chìm sâu trong dĩ vãng đôi khi trở lại rất tình cờ. Cũng như đêm nay, một tiếng gà mơ hồ ở đâu đó rất xa vọng lại làm tôi nhận ra mình vẫn chờ nó, như ngày xưa chờ đến một mùa xuân…