Suốt 3 quý năm 2023, TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung chứng kiến những biến cố của thị trường lao động khi hàng loạt doanh nghiệp (DN) lớn cắt giảm nhân sự, khiến công nhân mất việc. Tại TP.HCM, thống kê 10 tháng năm 2023, tỷ lệ người lao động thất nghiệp tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đánh giá thị trường lao động cuối năm sẽ “ấm dần” do nhu cầu sản xuất phục vụ tiêu dùng dịp tết tăng mạnh. Tuy nhiên, tình hình lao động, việc làm vẫn còn nhiều khó khăn khi nhiều DN phải thay đổi để duy trì hoạt động sản xuất.
Mất việc đáng lo hơn không được thưởng tết
Chị Võ Thị Thanh Duyên (26 tuổi) đang làm việc tại một công ty logistics ở Q.Phú Nhuận cho biết hiện nay công ty có nói sẽ thưởng Tết Nguyên đán năm 2024 nhưng vẫn chưa thông báo cụ thể về mức thưởng. “Nhưng năm nay kinh tế khó khăn, có thưởng là may rồi”, chị nói. Tương tự, chị Trần Vân Anh, lao động trong một công ty chuyên bán phụ kiện du lịch tại Q.Bình Thạnh, cho biết: “Hiện nay phía công ty cho lay-off (cắt giảm nhân sự) nhiều lắm nên chưa biết phúc lợi cuối năm thế nào, nhưng xu hướng hiện tại là công ty không tổ chức tiệc tất niên cuối năm và chỉ thưởng một ít cho nhân viên vui tết thôi”.
Chị Lê Thị Thu Thủy, nhân viên chuyên về phúc lợi, tính lương của một công ty dịch vụ tại TP.Thủ Đức, thông tin đơn vị của chị không thường sử dụng cụm từ “lương tháng 13” hay “thưởng tết”, thay vào đó, chính sách phúc lợi sẽ được tính theo hiệu suất công việc của nhân viên.
“Trong năm, cứ 3 tháng thì công ty sẽ đánh giá hiệu suất làm việc một lần để thưởng cho người lao động (thưởng theo quý – PV), tránh trường hợp nhân viên không làm hết năm sẽ không được thưởng gì. Đến cuối năm, người lao động thường nhận được khoản thưởng này kèm theo hỗ trợ của công đoàn… Như năm ngoái, mỗi người lao động của công ty đều được nhận các khoản như 3 triệu đồng từ công đoàn hỗ trợ; 1,2 triệu đồng tiền trợ cấp đồng phục… Một số người sẽ được tăng 8% lương sau khi đánh giá”, chị Thủy cho biết.
Khảo sát nhanh một số người lao động đang làm trong các công ty hoạt động lĩnh vực bất động sản thì đều nói “chưa nghe gì về thưởng tết”. Nhiều người còn nhận định sẽ không có thưởng vì trong năm không bán được hàng, nhân viên không bị cắt hay giảm lương đã là may mắn lắm rồi.
Nhiều công nhân cũng ở trong trạng thái sợ mất việc hơn là không nhận được thưởng tết. Chị Anh Đào (45 tuổi), công nhân may ở Công ty TNHH N. (Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, Q.12), cho biết trong năm qua đã xảy ra cắt giảm lao động, gần đây nhất là hồi tháng 8, công ty ra thông báo hàng trăm người sẽ mất việc, trong danh sách đó có chị. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hoãn vì chưa đạt được thống nhất từ công nhân và cơ quan chức năng.
“Tuần rồi, anh chị em công nhân cũng loay hoay hỏi thăm nhân sự, công đoàn của công ty về việc có hỗ trợ vé xe tết về quê hay không để họ tranh thủ đặt vé. Lúc đó, chưa có câu trả lời. Đến mới đây, ban giám đốc thông báo sẽ tổ chức 3 chuyến xe (công ty chi 70% kinh phí, còn lại công đoàn hỗ trợ 30%) đưa hơn 100 lao động khó khăn về các tỉnh miền Trung và miền Bắc, dự kiến khởi hành ngày 27 tháng chạp (tức ngày 6.2.2024)”, chị Đào cho hay và nói thêm: “Hiện nay chưa biết thưởng tết ra sao, năm ngoái được thưởng 1 tháng lương. Tất nhiên mình lo lắng mất việc hơn là lo không nhận được tiền thưởng tết. Nhưng thấy tháng này công nhân được tăng ca lại, ai cũng hy vọng có thưởng để ấm lòng”.
Khó đoán, không như năm ngoái
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch Công đoàn dệt may VN, cho biết hiện nay qua nắm bắt cho thấy các đơn vị ngành dệt may vẫn đang cố gắng duy trì sản xuất và đa số đều chưa có kế hoạch tăng lao động cuối năm. Về thưởng tết, hiện các chủ sử dụng lao động cũng chưa ra quyết định cuối cùng nên chưa có thông tin chính xác. Điều này, bà Thủy đánh giá là khác hơn so với mọi năm. Bởi các năm trước đây, các DN thường có kế hoạch dài hơn cho các chính sách phúc lợi, hỗ trợ người lao động cuối năm, khoảng trước Tết Nguyên đán từ 3 – 6 tháng. “Hiện nay các DN cũng đang cố gắng, cân não bởi nếu mức thưởng thấp hơn thì có thể dẫn đến thiếu hụt lao động, còn cao hơn thì DN cũng rất khó khăn”, bà Thủy nói.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cũng nhận định: “Chỉ có năm nay khó đoán. Các năm trước, thuận lợi, khó khăn ra sao thì mình biết trước xu hướng. Nhưng năm nay qua nắm bắt thì một số nói sẽ thưởng khá hơn, nhưng nhiều nơi lại bảo là còn tiếp tục khó khăn”.
Một số DN dự kiến vẫn giữ nguyên mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2024 như năm ngoái. Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec VN, thông tin rằng đơn vị vẫn chưa họp về chính sách phúc lợi cuối năm. Tuy nhiên, ông dự đoán mức thưởng sẽ như năm ngoái, mức 1.1, chẳng hạn lương 10 triệu đồng/tháng thì được thưởng tết 11 triệu đồng. Ngoài ra, công ty và công đoàn cũng phối hợp tổ chức các hoạt động như tất niên, quà tết, tổ chức chuyến xe cho công nhân khó khăn về quê ăn tết…
Còn đối mặt nhiều khó khăn
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, đơn vị đang có kế hoạch khảo sát, đề nghị các DN báo cáo tình hình lao động, tiền lương năm 2023 và kế hoạch thưởng tết trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024, các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động (tặng quà, hỗ trợ vé tàu, xe…), thời gian nghỉ tết, nghỉ phép năm, thời điểm trả lương, thưởng…
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đánh giá tình hình chung thị trường lao động còn đối mặt nhiều khó khăn nên cũng chưa thể dự đoán được chính sách, cần có số liệu cụ thể mới phân tích được. Thông thường, các DN gửi báo cáo về lương thưởng lúc cận kề Tết dương lịch. Đơn vị sẽ nắm bắt sát sao tình hình lao động ở các DN để cùng các cơ quan chức năng như công đoàn, các ban quản lý khu chế xuất, khu công nghệ cao… có phương án hỗ trợ kịp thời. Song song đó, các DN cần đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch; không để xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng.
“Tết đến với mọi đoàn viên công đoàn”
Liên đoàn Lao động TP.HCM cho hay do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và khu vực, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn TP.HCM vẫn còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của đơn hàng sản xuất, nhất là các DN ngành nghề giày da, may mặc… Một số DN phải thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với người lao động, điển hình tại Q.Bình Tân, một công ty từ đầu năm đến nay đã có 9.284 trường hợp công nhân mất việc.
Từ đây đến cuối năm, công đoàn TP.HCM sẽ tập trung phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp tết; nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của công nhân để kịp thời xử lý.
Đặc biệt, Liên đoàn Lao động TP.HCM mới đây đã ban hành kế hoạch chăm lo tết cho công đoàn viên, người lao động trên địa bàn TP.HCM với phương châm “Tết đến với mọi đoàn viên công đoàn”, trong đó có chăm lo ưu tiên cho người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm, giảm lương…